Vẫn đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm
Theo các chuyên gia, mặc dù tỉ lệ tái đàn lợn đang ở mức thấp nhưng khó xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm nay.
Sức mua yếu, giá thịt lợn liên tục giảm
Ghi nhận của báo Thanh Niên, tại các hệ thống phân phối hiện đại, giá thịt lợn (thịt heo) phổ biến xoay quanh mốc 100.000 đồng/kg. Nhiều thương hiệu thịt liên tục "chạy" chương trình khuyến mãi 10 - 20%, một số khác lại áp dụng chương trình mua 1 kg thịt tặng 200 gr sản phẩm cùng loại… nhưng theo các doanh nghiệp (DN) thì "vẫn không vực dậy được sức mua".
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho biết: Năm trước là giai đoạn kinh doanh ảm đạm nhất của ngành và cả công ty, thậm chí giai đoạn cao điểm tết giá vẫn không tăng thì năm nay tiếp tục sụt giảm thêm hơn 10% so với khi đó. Nếu như các năm trước khó khăn ở mặt hàng thịt tươi sống nhưng các sản phẩm chế biến tăng trưởng tốt bù lại thì năm nay cả 2 đều gặp khó. "Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng trong những tháng còn lại, nhưng khả năng cao là sẽ không hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận dù đã nỗ lực hết sức", ông Phú cho hay.
Theo ông Phú, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá heo hơi, nhưng vấn đề quan trọng vẫn là sức mua. Giá heo hơi bắt đầu giảm từ giữa tháng 7 và kéo dài đến hiện tại vì trùng với tháng 7 âm lịch, thời điểm số lượng người ăn chay gia tăng. Kết thúc tháng 7 âm lịch thì lại bước vào mùa tựu trường. Gánh nặng sách vở, học phí, quần áo… cho con em khiến phụ huynh tiếp tục thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh túi tiền vốn đã eo hẹp.
"Đây là cái khó chung của toàn xã hội mà chúng ta cần thêm nhiều thời gian và chính sách kích thích nền kinh tế mới có thể vượt qua được. VISSAN cũng như nhiều DN khác phải liên tục chạy các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách hàng. Bên cạnh đó là đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng tốt hơn và giảm chi phí", ông Phú nói.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành chăn nuôi và thị trường thịt heo, ông Quách Phong, Giám đốc bộ phận tư vấn Ipsos VN (thành viên một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở chính tại Pháp), nhận định: "Nhu cầu thịt của thị trường yếu quá. Thường sau mùa Vu lan (tháng 7 âm lịch) thị trường ảm đạm là mùa tết Trung thu khởi sắc, nhưng năm nay vẫn không cải thiện. Nền kinh tế vẫn khó khăn nên khó có thể nói thị trường sẽ lạc quan trong thời gian tới. Chăn nuôi nhỏ lẻ theo mô hình nông hộ rất ít người dám tái đàn".
Chia sẻ với báo Đầu tư, ông Nguyễn Hưng Thỉnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) cho biết, khoảng 3 tháng trước, giá lợn hơi tăng lên hơn 63.000 đồng/kg, người chăn nuôi rất vui mừng. Song đến nay, giá lợn hơi chỉ còn 56.000 - 58.000 đồng/kg khiến chủ chăn nuôi quy mô lớn băn khoăn.
“Trong bối cảnh giá lợn hơi thất thường, giá thức ăn chăn nuôi chưa giảm, Hợp tác xã chỉ duy trì tổng đàn 400 con lợn, chưa dám tăng đàn. Đáng lo ngại nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.”, ông Thỉnh bày tỏ.
Khó xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, mặc dù tỉ lệ tái đàn lợn đang ở mức thấp nhưng khó xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm nay.
Về vấn đề nguồn cung, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại đang khá ổn định. Tổng đàn lợn của cả nước hiện có khoảng 28,6 - 28,7 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa về thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn những tháng cuối năm và cả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới. Ngoài ra, từ nay đến tháng 10 hằng năm là giai đoạn các doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn để bảo đảm thời gian xuất chuồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam phân tích, cơ cấu chăn nuôi đã thay đổi, các trang trại chăn nuôi của nông dân chỉ chiếm 20 - 30% tổng đàn lợn của cả nước; các công ty chiếm tới 70 - 80% tổng đàn.
Theo đó, dựa vào nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn sẽ có tính toán nguồn cung hợp lý. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về thị trường thịt lợn thương phẩm dịp cuối năm.
Mặc dù tại thời điểm này, nguồn cung thịt lợn được đánh giá cơ bản là ổn định, nhưng cũng không thể chủ quan bởi từ nay đến cuối năm 2023, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh tương đối cao, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Mặt khác, tỉ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn nhỏ lẻ; nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm tới tiêm phòng vắc-xin, nhập con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hơn nữa, việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, trong đó có thịt lợn dịp cuối năm tăng cao gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng thực phẩm nói chung... Do đó, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm, các địa phương cần tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh.
Về lĩnh vực này, ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin, tổng đàn lợn của toàn thành phố hiện có hơn 1,46 triệu con. Để ổn định nguồn cung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn.
Song song với đó, Sở tích cực rà soát, điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, tái đàn lợn phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá bán.
Tuy nhiên, các địa phương cũng cần khuyến cáo nông dân, hợp tác xã tổng vệ sinh tiêu độc môi trường trước khi tái đàn; tiêm phòng vắc xin, mua con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh dịch bệnh phát sinh, gây thiệt hại về kinh tế.
Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong mọi tình huống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá, theo dõi chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Số lượng heo vẫn tăng, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong tháng 8 dịch tả heo châu Phi có xu hướng quay trở lại tại một số địa phương khiến tình hình chăn nuôi trở nên khó khăn, làm giá bán heo hơi giảm. Ước tính tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2023 tăng khoảng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2022. Bên cạnh đó, tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2023 cũng tăng khoảng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2022. Tính chung trong 8 tháng năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt trên 3,4 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Về phía nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đối với mặt hàng đậu nành, 8 tháng qua nhập khẩu gần 1,37 triệu tấn, trị giá gần 877 triệu USD, giá trung bình 637,8 USD/tấn; tăng 7,1% về lượng nhưng giảm 8,5% về giá so với 8 tháng năm 2022. Lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,15 triệu tấn, tương đương gần 1,1 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 1,5% về kim ngạch; giá trung bình đạt 352,3 USD/tấn, giảm 7%. Nhập khẩu bắp các loại đạt trên 5,35 triệu tấn, trị giá trên 1,7 tỷ USD, giá trung bình 320,2 USD/tấn; giảm 8,6% về lượng, giảm 18% kim ngạch và giảm 10,3% về giá so với 8 tháng năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận