Vạch trần những chiêu trò giả danh bác sỹ lừa người bệnh
Thuốc bán trên mạng vẫn có người tin và mua, vì những lời quảng cáo có cánh và vì nó được “cộp” dấu bảo hành của các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành…giả mạo.
Các kiểu giả danh bác sỹ để lừa đảo
“Thuốc mới chữa khỏi 96% bệnh nhân đái tháo đường”, “Tôi sẵn sàng trả 1 triệu đô la nếu không khỏi”… lời tuyên bố này được đăng kèm cùng với hình ảnh bác sỹ Trương Hữu Khanh, một bác sỹ uy tín tại TP.HCM. Và để thuyết phục hơn, chúng biến bác sỹ Trương Hữu Khanh từ một chuyên gia về Nhi khoa sang chuyên gia được đào tạo ở Mỹ về bệnh đái tháo đường. Vì thế, đã có nhiều người “dính bẫy”.
“Đa số là người dân gửi thông tin cho tôi thì tôi mới biết. Chẳng hạn, có người định mua sản phẩm đó và người ta hỏi lại là có phải bác sỹ Khanh giới thiệu hay không. Một số người thậm chí bỏ ra cả tiền triệu mua thuốc rồi nhưng mua xong mới nghi ngờ và gửi hình ảnh qua để hỏi tôi”, bác sỹ Khanh nêu.
Dưới bàn tay xử lý của những kẻ lừa đảo trên mạng, bác sỹ Trương Hữu Khanh trở thành chuyên gia “đủ thứ”. Ông cho biết, người ta lấy hình ảnh của ông để bán từ thuốc tăng chiều cao, thuốc bổ cho trẻ em, đến thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp.
Chúng giả danh nhiều cách. Có thể là tạo ra một bài viết rồi nói đó là bác sỹ Trương Hữu Khanh viết và có hình ảnh. Tinh vi hơn, chúng cắt những video clip ngắn mà bác sỹ Khanh đã từng xuất hiện trên truyền thông, sau đó sử dụng công nghệ để chèn âm thanh có nội dung về quảng cáo thuốc vào.
Hình cảnh cắt ra từ một trang web giả danh bác sỹ Trương Hữu Khanh quảng cáo bán thuốc
Bác sỹ Trương Hữu Khanh đã phải thông báo trên trang facebook cá nhân của mình (với gần 700 nghìn người theo dõi) sau nhiều lần bị giả danh. Nhưng cách này vẫn không mang lại hiệu quả một cách triệt để.
“Mình không thể chủ động trong vấn đề này được, những kẻ mạo danh theo dõi mình chứ mình không thể theo dõi họ. Chỉ tội cho người dân thôi, nhiều người cả tin, tin đó là bác sỹ Khanh nói mà chưa kiểm định lại, “tiền mất tật mang”, bác sỹ Khanh nói.
Bác sỹ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học – BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội – lại rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”, khi hình ảnh của mình thường xuyên bị các trang web bán thuốc tăng cường sinh lý, kích dục sử dụng.
Sau nhiều lần hình ảnh cá nhân bị sử dụng trong những tình huống phản cảm và chiêu trò mua bán thuốc không có nguồn gốc, bác sỹ Nguyễn Bá Hưng đã cố gắng tìm biện pháp “vạch trần” các trang mạng mạo danh mình.
Bác sỹ đã gọi điện cho nhà mạng, báo cáo, lập bằng chứng để công an điều tra. Nhưng thực tất cả địa chỉ, số điện thoại hiện trên quảng cáo đều không có thật và là công ty “ma”.
Tình trạng mạo danh bệnh viện, mạo danh bác sỹ để lừa đảo bệnh nhân trên mạng ngày một nhiều và ngày càng táo tợn. GS.TS Trần Bình Giang – nguyên giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cũng đã bị một trang mạng “hạ cấp” xuống trưởng Khoa tim mạch và rao bán thuốc huyết áp, trong khi ông là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngoại khoa.
“Ba đời chữa bệnh, một liệu trình khỏi hoàn toàn… là những điều không bao giờ có trong y học”
Bà Phạm Thị Phi (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một bệnh nhân tiểu đường 10 năm nay, cũng chỉ vì tin vào lời quảng cáo “chữa khỏi bệnh hoàn toàn” của bác sỹ mạo danh mà cũng suýt “sập bẫy”.
“Tôi thấy trên facebook họ bảo là quà tặng không mất tiền 1 liệu trình thuốc điều trị tiểu đường. Uống trong 3 tháng là khỏi bệnh hoàn toàn. Tôi vừa đăng ký thì có người tự xưng là bác sỹ nhắn tin tư vấn. Đến chiều là có một cô nhân viên đến tận nhà đưa thuốc. Lúc đến thì họ nó thuốc thì miễn phí nhưng phải đóng 500 nghìn tiền ship”, bà Phi kể.
BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Hữu Nghị), cho biết: chính sự cả tin, thiếu hiểu biết khiến nhiều bệnh nhân “tiền mất tật mang”. Các quảng cáo hiện nay chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm chức năng. Nhiều người lại nghĩ, thực phẩm chức năng ít tác dụng phụ hơn thuốc mà lại có hiệu quả như thuốc nên đã dễ dàng bỏ tiền ra mua.
Các quảng cáo giả mạo này thường tiếp cận đối tượng người dễ tổn thương như người già, người có điều kiện kinh tế thấp hoặc sống ở nông thôn. Họ thấy quảng cáo nhắc đến bệnh của mình thì mua. Nhưng thực tế, điều này còn tốn kém hơn vì sẽ khiến bệnh nặng lên, xảy ra các biến chứng, tác dụng phụ và quá trình điều trị sẽ rất lâu dài.
“Chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân hiểu là đã có bệnh thì phải đi khám, khi khám mới có đơn và điều trị hữu hiệu được. Còn những quảng cáo kiểu “ba đời chữa bệnh”, “ 1 liệu trình dứt điểm” thì trong y học không bao giờ có”, bác sỹ Khiêm nêu.
Vì thế, người dân cần xác định một nguyên tắc là không có bác sỹ nào khám chữa bệnh chung chung mà cá thể hóa từng cá nhân.
“Bác sỹ chân chính, uy tín, trân trọng nghề nghiệp không bao giờ đứng ra quảng cáo cho bất cứ một thứ thuốc nào, kể cả nó hiệu quả hay không”, bác sỹ Khiêm nhấn mạnh./.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế đã phát hiện, yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube.
Quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Cre: VOV
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận