menu
Vaccine Covid-19 Moderna: Chuyên gia y tế tiết lộ tỷ lệ viêm cơ tim ở người trẻ tuổi
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vaccine Covid-19 Moderna: Chuyên gia y tế tiết lộ tỷ lệ viêm cơ tim ở người trẻ tuổi

Theo chuyên gia y tế từ Moderna, vaccine Covid-19 của hãng đạt hiệu quả bảo vệ cao, tuy nhiên, sản phẩn này vẫn có nguy cơ gây viêm cơ tim.

Mới đây, trong chương trình phỏng vấn của đài CNBC, Tiến sĩ Paul Burton, Giám đốc Y tế của công ty Moderna cho biết, vaccine Covid-19 của hãng này có khả năng bảo vệ cao trước nguy cơ bệnh Covid-19 tiến triển nặng và tử vong. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn có nguy cơ gây viêm cơ tim, nhưng rất hiếm gặp.

Tiến sĩ Paul Burton đã trích dẫn số liệu so sánh tỷ lệ mắc viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine Moderna và vaccine Pfizer-BioNTech. Theo đó, tỷ lệ ở người tiêm vaccine Moderna là 13,3/100.000 người, còn ở vaccine Pfizer là 2,7/100.000 người.

Khi so sánh với với tỷ lệ viêm cơ tim ở bệnh nhân mắc Covid-19 (khoảng 1.500/100,000 người), có thể thấy rủi ro mắc bệnh còn cao hơn rất nhiều lần so với nguy cơ khi tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) hồi tháng 5/2021, cơ quan này nhận được rất ít báo cáo về bệnh viêm cơ tim ở người đã tiêm vaccine Covid-19 được sản xuất theo công nghệ mRNA (Pfizer-BioNTech và Moderna). Nhìn chung, hầu hết các trường hợp viêm cơ tim sau tiêm được ghi nhận đều nhẹ.

Các ca bệnh xảy ra chủ yếu ở thanh thiếu niên và thanh niên, nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Trong vòng 4 ngày sau tiêm, người tiêm mũi 2 thường xuất hiện triệu chứng nhiều hơn người tiêm mũi một.

Tuy tỷ lệ bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine Covid-19 là rất thấp nhưng ACIP đã cung cấp một số thông tin hữu ích để xử lý kịp thời khi người tiêm gặp phải những rủi ro trên.

Viêm cơ tim là gì?

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), viêm cơ tim là tình trạng tim bị viêm ở phần cơ.

Tình trạng này có thể sẽ lan rộng làm giãn khối cơ tim, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu cho cơ thể, buộc tim phải làm việc nhiều hơn, có thể dẫn đến suy tim.

Căn bệnh rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc trên thế giới mỗi năm khoảng từ 10 - 20/100.000 người.

Các triệu chứng của viêm cơ tim

NIH cho biết, có một số người bị viêm cơ tim không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp của bệnh là: Tức ngực, khó thở, mệt mỏi, đau đầu, sốt, viêm họng, tiêu chảy, sưng chân, rối loạn nhịp tim.

Nguyên nhân gây viêm cơ tim

Viêm cơ tim thường liên quan đến nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm, nhưng virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh.

Tiến sĩ Eliot Peyster, chuyên gia tim mạch tại Penn Medicine (hệ thống cung cấp dịch vụ y tế sở hữu nhiều bệnh viện lớn và Trường Đại học Y khoa tại Philadelphia, Mỹ) cho biết, viêm cơ tim có thể là tác động trực tiếp của virus gây tổn thương tế bào cơ tim hoặc là “hậu quả” gián tiếp do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virus.

Nhiều trường hợp viêm cơ tim do phản ứng miễn dịch của cơ thể nhằm sinh ra kháng thể tiêu diệt virus, quá trình này làm tổn thương các tế bào cơ tim.

Bệnh cũng có thể do một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư, kháng sinh penicillin, thuốc sulfonamide, thuốc chống co giật và cocaine... gây ra.

Việc tiếp xúc với các hóa chất như carbon monoxide hoặc mắc các bệnh viêm nhiễm hay tự miễn như lupus cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm cơ tim.

Vaccine Covid-19 Moderna: Chuyên gia y tế tiết lộ tỷ lệ viêm cơ tim ở người trẻ tuổi
Vaccine Covid-19 Moderna và Pfizer đều được sản xuất theo công nghệ mRNA. (Nguồn: Reuters)

Mối liên hệ giữa vaccine Covid-19 và viêm cơ tim?

Cho đến nay, các chuyên gia y tế trên thế giới chưa tìm ra mối liên quan giữa vaccine Covid-19 và bệnh viêm cơ tim.

Tiến sĩ Amesh A. Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins cho hay, rất khó để tìm ra mối liên hệ tiềm ẩn giữa vaccine Covid-19 và bệnh viêm cơ tim vì vaccine theo công nghệ mRNA không chứa virus. Sản phẩm này chỉ là một phần của vật chất di truyền.

Có thể nêu giả thuyết là: Vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch có thể gây ra một số tổn thương ở những người có nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim. Tuy nhiên, cho đến nay, giả thuyết vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Theo Giáo sư Thomas Russo, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo (New York, Mỹ), nguyên nhân vaccine Moderna có nguy cơ gây viêm cơ tim cao hơn vaccine Pfizer-BioNTech vẫn chưa rõ ràng.

Dù vậy, ông cho rằng, tác dụng phụ hiếm gặp này có thể liên quan đến liều lượng do liều lượng của vaccine Pfizer-BioNTech là 0,3ml trong khi vaccine Moderna là 0,5ml.

Đồng quan điểm với Giáo sư Russo, Tiến sĩ Adalja giải thích thêm: Việc sử dụng liều lượng cao hơn ở vaccine Moderna, có thể gây ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn, bằng chứng là khả năng miễn dịch của người tiêm vaccine Moderna ít suy yếu hơn vaccine Pfizer-BioNTech. Phản ứng miễn dịch mạnh hơn này có thể dẫn đến tỷ lệ viêm cơ tim cao hơn.

Các loại vaccine khác có gây viêm cơ tim không?

Một báo cáo nghiên cứu năm 2003 được đăng tải trên Tạp chí JAMA của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, sau khi tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa cho 230.734 binh sỹ trong quân đội nước này, có 18 trường hợp bị viêm cơ tim.

Theo Tiến sĩ Jennifer Wong, bác sĩ chuyên khoa tim mạch đồng thời là Giám đốc y tế của Viện Tim mạch Không xâm lấn thuộc Trung tâm Y tế Orange Coast (Mỹ), đã có báo cáo về các trường hợp viêm cơ tim liên quan đến vaccine cúm và uốn ván.

Tuy nhiên Tiến sỹ Eliot Peyster, chuyên khoa tim mạch tại Penn Medicine lại cho rằng, các loại vaccine đậu mùa và cúm sử dụng virus sống hoặc bất hoạt để kích hoạt hệ thống miễn dịch. Cơ chế này hoàn toàn khác với hai loại vaccine Covid-19 đang sử dụng phổ biến nhất ở Mỹ hiện nay.

Vì thế, không thể so sánh nguy cơ rủi ro giữa các loại vaccine này.

Viêm cơ tim được điều trị như thế nào?

Tùy theo nguyên nhân mắc bệnh, các bác sỹ chuyên khoa tim mạch sẽ có chẩn đoán và xử trí phù hợp.

Nếu gặp phải các triệu chứng sau khi tiêm vaccine như đau tức ngực hoặc khó chịu ở ngực, có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực (do nhịp tim không đều, nhịp nhanh hoặc nhịp quá chậm), ngất, khó thở, mệt mỏi, bạn nên đến khám ở khoa tim mạch để được xử lý và điều trị kịp thời.

Cho đến nay, hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 theo công nghệ mRNA đã được tiêm cho nhóm người từ 12-29 tuổi ở Mỹ. Trong đó, có 877 trường hợp viêm cơ tim được xác nhận và 829 trường hợp nhập viện điều trị nhưng không có trường hợp nào tử vong.

Tiến sĩ Jennifer Wong cho hay, hầu hết bệnh viêm cơ tim do tiêm vaccine Covid-19 sẽ tự thuyên giảm hoặc khi được điều trị theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ bệnh có thể tiến triển thành suy tim.

Vì thế, nếu xuất hiện các triệu chứng của viêm cơ tim, bệnh nhân nên nhanh chóng vào viện để khám và điều trị.

Nên tiêm loại vaccine Covid-19 nào?

Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thông báo kéo dài thời gian phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 của Moderna cho trẻ từ 12-17 tuổi đến tháng 1/2022. Cơ quan này cho biết, họ cần thêm thời gian đánh giá về rủi ro viêm cơ tim sau tiêm trước khi quyết định cấp phép tiêm cho độ tuổi trên.

Theo Giáo sư Thomas Russo, các trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine là rất hiếm gặp, có xu hướng nhẹ chỉ thoáng qua và sẽ hết sau vài ngày. Tuy nhiên, ông khuyên những người trong nhóm nguy cơ cao, nhất là nam giới từ 16-30 tuổi, nên tiêm vaccine Pfizer-BioNTech thay vì vaccine Moderna do có độ rủi ro thấp hơn.

Tiến sĩ Adalja lại đề nghị sử dụng vaccine Johnson & Johnson, loại vaccine không liên quan đến tình trạng viêm cơ tim cho người có tiền sử viêm cơ tim.

Tuy vaccine Moderna có tỷ lệ mắc viêm cơ tim cao hơn các loại vaccnie hiện hành, nhưng các trường hợp này rất hiếm gặp, chỉ 13,3/100.000 người. Thêm vào đó, tiêm vaccine Covid-19 là cách tốt nhất bảo vệ bản thân trước nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

Bởi vậy, vaccine Covid-19 tốt nhất là loại được tiêm sớm nhất và đủ liều.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả