Ủy ban Chứng khoán sẽ đánh mã định danh người hành nghề, dẹp “nạn” chuyên gia chứng khoán tự phong
Nghe theo lời “phím hàng” của các chuyên gia chứng khoán trên mạng, nhiều nhà đầu tư chưa kịp đổi đời đã mất tiền.
Trong các các hội nhóm chứng khoán trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, Youtube… hiện nay không khó khăn để bắt gặp các “chuyên gia” chứng khoán. Nhiều “chuyên gia” hàng ngày đăng tải, gửi thông báo khuyến nghị "cổ phiếu hôm nay mua vào bây giờ hãy bán ra toàn bộ, chốt lời ngay lập tức"... khiến người chưa tham gia đầu tư cũng cảm thấy tò mò.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời nhà đầu tư L.H. chia sẻ câu chuyện mất gần hết vốn khi đầu tư theo "mách bảo" của môi giới. Kết quả sau khi bỏ ra 200 triệu đồng mua vài mã từ tháng 4/2022, cuối cùng tài khoản chỉ còn hơn 30 triệu
Bàn về chuyện chuyên gia nở rộ, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, có rất nhiều cá nhân mở kênh YouTube, mở "room" riêng.
Với những người làm nghề nghiêm túc, phân tích từ kiến thức, năng lực, đạo đức, theo ông Phương, cần khuyến khích. Bởi thông qua các kênh này, nhà đầu tư có thêm cơ hội tiếp cận thông tin.
Đáng lo ngại nằm ở nhóm tự phong, đó là dẫn dắt, hô hào "giúp làm giàu" nhưng thực tế trục lợi cá nhân. Qua đó lôi kéo nhà đầu tư vào room riêng thu phí, ngoài kiếm tiền còn có mục đích đằng sau.
Phần đông nhóm này đến từ một số công ty chứng khoán, hoặc chỉ là cộng tác viên được tuyển ồ ạt hay đã từng làm công ty chứng khoán rồi nghỉ, nhà đầu tư lâu năm…
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sẽ tăng quản lý, giám sát hoạt động của người hành nghề. Đồng thời cơ quan này đang sửa đổi thông tư về quản lý, giám sát người hành nghề.
Theo đó, sẽ tiến hành đánh mã định danh gắn với số điện thoại của người hành nghề chứng khoán và công bố công khai để nhà đầu tư có thể phản ánh kịp thời cho cơ quan quản lý khi phát hiện hành vi vi phạm.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi các công ty chứng khoán nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động người hành nghề chứng khoán.
Đồng thời không được tham gia các diễn đàn, hội nhóm trên mạng (ngoài diễn đàn, hội nhóm được công ty chứng khoán chấp thuận) để tư vấn, lôi kéo nhà đầu tư mua/bán chứng khoán với tư cách đại diện công ty.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng từng khuyến cáo nhà đầu tư về việc một số đối tượng sử dụng tên, logo, thông tin của một số công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, VinaCapital… để lập các website, tài khoản facebook, telegram nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư, theo Người lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận