menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tiến Thành

Ứng phó “làn sóng thép” Trung Quốc

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo thế giới đang đối diện với “làn sóng thứ 2” chìm ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Điều đó đã đúng với ngành thép.

Trong năm 2024, Trung Quốc có thể xuất khẩu khoảng 90 - 95 triệu tấn thép, cao nhất 7 năm. Thậm chí nếu kinh tế thế giới phục hồi yếu, Trung Quốc vẫn xuất khẩu khoảng 75 - 80 triệu tấn thép trong năm nay.

Điều gì xảy ra tại Trung Quốc?

Mọi chuyện bắt đầu từ sự đổ vỡ của thị trường bất động sản Trung Quốc. Tính bình quân mỗi căn hộ 100m2 cho gia đình 3 người sinh sống tại Trung Quốc, hiện dư thừa diện tích nhà ở cho 150 triệu người, tương đương 50 triệu căn hộ. Trong khi đó, bất động sản góp phần tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng thép.

Sau hàng thập kỷ tăng trưởng “nóng”, lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc đã kéo theo sự gia tăng công suất các nhà máy thép, tạo ra hơn 1 tỷ tấn thép, chiếm 53,9% toàn cầu. Kể từ mùa xuân năm 2022, khi dòng tiền đầu tư vào bất động sản Trung Quốc giảm mạnh, giá hợp đồng tương lai các loại vật liệu xây dựng chính như thép… đã giảm mạnh.

Hiện nay, mật độ nhà máy thép tại Trung Quốc cao nhất thế giới. Đường Sơn (Hà Bắc) được mệnh danh là “thành phố thép” với hàng chục “đại doanh nghiệp”, thường xuyên tạo ra khoảng 14 - 16 triệu tấn thép thô mỗi tháng.

Việc đóng cửa lò cao luyện thép là không thể do quá trình tái khởi động mất từ 6 tháng trở nên. Do vậy, dù sản lượng tồn kho lớn, nhưng các doanh nghiệp thép Trung Quốc vẫn phải hoạt động cầm chừng. Để giải quyết nghịch lý này, Trung Quốc đã hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu thép.

Thị trường và doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á đang hứng chịu “làn sóng thép” từ Trung Quốc. Đơn cử, trong tháng 9/2023, xuất khẩu thép từ Trung Quốc sang Thái Lan đã tăng gần 60% so với cùng kỳ, xuất sang Malaysia tăng 80%. Trong khi đó, xuất khẩu thép từ Trung Quốc sang Indonesia cao gấp đôi cùng kỳ, còn Việt Nam thì cao hơn gấp 4 lần.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu 15,9 triệu tấn thép, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất kể từ năm 2016. Trong đó, trong cùng kỳ, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,8 triệu tấn thép sang Việt Nam, gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.

Ứng phó “làn sóng thép” Trung Quốc

Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong tháng 1-2/2024 đạt mức cao nhất 8 năm qua.

Kịch bản quá khứ có thể lặp lại

Thị trường khu vực Đông Nam Á hiện đã tràn ngập thép Trung Quốc. Ông Yeoh Wee Jin, Tổng thư ký Viện Sắt thép Đông Nam Á đặt câu hỏi: Liệu “cơn sóng thần” xuất khẩu thép được trợ cấp của Trung Quốc từng diễn ra vào giữa những năm 2010 sẽ lặp lại?

Từ đầu năm 2023, các nhà sản xuất và phân phối thép Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu thép ra thị trường thế giới. Với mức giá rẻ, nguồn cung dồi dào, hệ thống phân phối dày đặc, thép Trung Quốc đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Trung Quốc trợ giá thép, giúp tăng lợi thế cạnh tranh, khiến doanh nghiệp thép Việt Nam “lép vế”, thậm chí lỗ nặng. Điều này gây ra áp lực rất lớn với các nhà sản xuất thép tại Việt Nam - quốc gia đứng thứ 13 thế giới về sản lượng thép.

Trong khi doanh nghiệp trong nước căng mình chống chọi thì mỗi năm vẫn chi hàng tỷ USD nhập khẩu thép Trung Quốc với mức thuế không đáng kể, không có bất cứ biện pháp phòng vệ thương mại nào.

Chẳng hạn, thép HRC Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan chịu mức thuế tới 42%, vào Mỹ bị áp thuế hơn 450%. Nhưng cũng sản phẩm này từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ phải chịu thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng 4,43 - 25,22%.
Nhiều chuyên gia cảnh báo kịch bản quá khứ có thể tái hiện, doanh nghiệp có thể sẽ bỏ sản xuất chuyển sang phân phối thép Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp then chốt này. Từ đây phát sinh nguy cơ “thép Trung Quốc gắn nhãn Việt” xuất khẩu sang thị trường được phòng vệ nghiêm ngặt, gây ra rủi ro pháp lý thương mại xuyên biên giới.

Một con đường khác của thép Trung Quốc là đi đến những công trình do nước này làm chủ đầu tư ở nước ngoài do giá vật liệu cơ bản rẻ làm tăng sức cạnh tranh đấu thầu. Như vậy, tăng đầu tư xây dựng hạ tầng nước ngoài giống như “mũi giáp công” thứ hai hỗ trợ tiêu thụ thép của Trung Quốc.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần phải tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế cao đối với các hàng hóa nhập khẩu được trợ giá như Mỹ và nhiều quốc gia khác đã và đang thực hiện. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường rà soát để tránh trường hợp thép giá rẻ Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

3,365.00

-32.00 (-0.94%)

Biểu đồ mã Steel
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả