“U40 nghỉ hưu với tài khoản 15 tỷ vẫn lo thiếu”: Chủ đề hút hàng trăm bình luận trái chiều
“Nghỉ hưu ở tuổi 40” là điều mà nhiều người cho rằng viển vông song cũng không ít người khá thành công với kế hoạch của mình. Điều khiến nhiều người quan tâm nhất, đó là số dư tài khoản bao nhiêu thì có thể tự tin cho phép mình nghỉ hưu?
Mới đây, trên một diễn đàn về tài chính, một tài khoản có tên Nguyễn Chung đã chia sẻ băn khoăn của bản thân khi bàn về chủ đề nghỉ hưu ở tuổi 40 với số dư tài khoản 15 tỷ đồng, bởi sẽ không đủ dùng tới hết đời.
Thông tin sau khi được chia sẻ đã thu hút hàng trăm ý kiến bình luận, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, tài khoản Nguyễn Chung chia sẻ: Với số tiền dư 15 tỷ đồng tôi cho rằng vẫn chưa đủ để nghỉ hưu từ 40 tuổi. Bởi, hiện tại tiền lãi tiết kiệm từ số tiền trên có thể khiến bạn sống dư giả, nhưng sau 30-40 năm nữa sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Theo đó, nhân vật chính cho rằng, khi còn làm việc vất vả, người ta thường ao ước có một số tiền lớn để gửi ngân hàng, ngồi không ăn lãi, khỏi làm việc mệt, đó là tâm lý chung. Nhưng khi tự thân làm được 15 tỷ rồi thì không ai sẽ all in (đặt hết) gửi tất cả vào ngân hàng (hay gửi phần lớn của số đó vào ngân hàng). Điều đó có nghĩa nếu gửi ngân hàng tất cả số tiền trên trong thời gian dài sẽ không đảm bảo tiêu chí “nghỉ hưu”, nếu dùng số tiền trên đầu tư một kênh khác, thì không thể an nhàn gọi là “hưu”.
Nhân vật đưa ra 3 tình huống làm dẫn chứng: Với 15 tỷ đồng, hiện tại tương ứng 230 lượng vàng, nhìn lại lịch sử nếu 30 năm trước (năm 93) cầm 230 lượng vàng quy đổi thành 1 tỷ đồng gửi ngân hàng ngồi không ăn lãi thì giờ chỉ còn một tỷ tiền gốc (lãi tháng nào ăn tháng đó, không tính lãi kép).
Bài toán tương tự, nếu bây giờ người có 15 tỷ đồng đem gửi tiết kiệm ngân hàng và sống thêm 30-40 năm nữa. Số tiền lãi ngân hàng 70 triệu/tháng hiện tương đương một lượng vàng. Thời điểm này là cao, nhưng 30 năm sau sẽ không còn cao nữa.
Nếu mua nhà đất hay đầu tư cổ phiếu thì nghe hợp lý hơn. Nhưng để đạt được tự do thực sự thì tiền lãi sinh ra không chỉ đủ chi tiêu ở thời điểm hiện tại, mà phải sinh bù trượt giá và thậm chỉ đáp ứng mức sống cao hơn trong tương lai.
“Do đó, nếu ai đó hỏi về số tiền đủ để nghỉ hưu sớm từ 40 tuổi mà không phải làm việc gì nữa, thì tôi e rằng con số 15 tỷ đồng không đủ được. Tất nhiên, mức độ thụ hưởng tùy quan điểm mỗi người chứ không có con số chính xác được” – chủ tài khoản nêu quan điểm.
Bài viết sau khi đăng tải đã thu hút hàng trăm bình luận, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều.
Tài khoản Minh Phú bình luận: “Phân tích của tác giả giống như mấy ông dạy làm giàu, hoàn toàn lý thuyết. Bởi, mong ước thì nó vô cùng, nhưng ai rồi cũng sống thoải mái trong điều kiện của mình thôi. Bố mẹ tôi nghỉ hưu 30 năm nay chẳng có tỉ nào ngoài số tiền lương hưu gần 10 triệu/tháng mà các cụ vẫn sống vui vẻ, thoải mái".
Tài khoản Hoàng Châu cũng cho rằng, nhiều người làm đến cuối đời chưa đủ 15 tỷ thì họ không được nghỉ hưu sao? Bạn đang tìm công thức cho người giàu chăng? Tôi thiết nghĩ, khái niệm nghỉ hưu ở tuổi 40 không có nghĩa là ngồi không và ăn, mà họ vẫn có thể làm ra tiền; chỉ khác là họ không phải lao động hàng ngày và không phải chịu áp lực về chuyện “cơm áo gạo tiền”.
Một số tài khoản khác thì bày tỏ quan điểm không hài lòng vì chủ tài khoản quá “tham làm”:
-“Lòng tham con người là vô đáy. Hai vợ chồng dân văn phòng tổng lương 40 triệu nuôi hai con, vẫn sống ổn; Hai vợ chồng công nhân tháng kiếm 20tr, sống tằn tiện một chút cũng vẫn ổn. Với số tiền 15 tỷ, nếu tính lãi suất thì mỗi tháng được 60 – 70 triệu, mà vẫn không đủ tiêu được sao?”;
-“Ở đời, biết đủ là đủ. Còn không thì 1,5 tỷ, 15 tỷ hay 15 triệu đô với người không biết đủ thì mãi là thiếu và mãi khổ thôi.”
-”Có thời điểm tiền mặt là số một, nhưng có thời điểm giữ tiền mặt lại mất giá. Do vậy, nếu có 15 tỷ ở tuổi 40, thời điểm hiện tại với lãi suất cao như vậy thì gửi ngân hàng là số 1. Sau 2- 5 năm nữa lãi suất thấp (có thể) thì quay ra mua vàng hoặc giữ tiền bằng một kênh khác (bất động sản, tiền đô…) thì khi 60 tuổi bạn vẫn đảm bảo số dư tài khoản mà sống dư giả…
Song, tài khoản Dương Tiến thì cho rằng quan điểm của tác giả cũng có lý: “Thật ra con số X tỷ không quan trọng, điều quan trọng là thu nhập thụ động phải bằng hoặc cao hơn mức sống hiện tại (mức bao nhiêu thì tùy mỗi người). Bài gốc tác giả chỉ nói 15 tỷ mà ko nói gì về các nguồn thu nhập khác. Theo tôi hiểu là nhân vật sẽ dùng tiêu dần số tiền trên cho đến lúc hết đời. Với quãng thời gian 30-40 năm kèm lạm phát, bệnh tật, nhiều biến cố khác thì e rằng con số đó là không đủ. Ngồi không ăn và tiêu thì đến núi còn lở nói gì con số 15 tỷ”.
Tuy nhiên, tài khoản Dương Tiến cũng đồng thời nói thêm “với 15 tỷ tiền mặt tôi tin rằng sẽ chẳng có ai ở tuổi 40 mà chỉ dùng để gửi ngân hàng và không chuyển đổi kênh đầu tư khác, như vàng, chứng khoán, BĐS,…”
Trên thực tế, khá nhiều người ở tuổi 40 đã có thể “nghỉ hưu” khi họ đạt mức tài chính có thể bao trọn các nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại, ví dụ: tiền ăn, tiền nhà, xăng, điện, nước, khám chữa bệnh... đến cuối đời, mà không cần bỏ thời gian và công sức để đổi lấy tiền nữa, mặc dù họ vẫn làm việc và vẫn tiếp tục làm việc, tạo ra nguồn tài chính mới.
“Câu hỏi quan trọng nhất khi muốn về hưu sớm không phải là tôi cần bao nhiêu tiền. Thay vào đó, câu hỏi quan trọng nhất là: Tôi sẽ làm gì, phát triển bản thân thế nào, tạo thêm thu nhập thụ động ra sao? Tất nhiên, thực hiện những điều này trong trạng thái thong dong, không nặng gánh cơm áo gạo tiền” – chị Thảo Anh, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cá nhân nêu quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận