24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Kiều Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tỷ phú Trần Bá Dương: Người xây dựng đế chế ôtô đến người hùng ‘cứu’ bầu Đức và đại gia thuỷ sản

Trần Bá Dương, ông chủ Thaco từ đế chế của ô tô Việt Nam đến cái duyên với nông nghiệp. Chỉ trong 2 năm, ông Dương 2 lần ký kết hợp tác với công ty của ông Đoàn Nguyên Đức và ông Dương Ngọc Minh - đại gia thuỷ sản miền Tây.

Ông Trần Bá Dương sinh năm 1960 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Dương tốt nghiệp đại học Bách khoa TP.HCM với bằng kỹ sư cơ khí.

Ông từng có nhiều năm làm việc tại xưởng sửa chữa nhà máy ô tô Đồng Nai trước khi sáng lập và điều hành Thaco từ năm 1997 cho đến nay.

Tại Thaco, ông Trần Bá Dương cùng vợ là bà Viên Diệu Hoa và công ty đầu tư riêng của gia đình là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trân Oanh vẫn là cổ đông chủ chốt với tổng tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 71%. Công ty Trân Oanh do ông Dương và bà Hoa sở hữu 100% vốn.

Kể về con đường lập nghiệp, ông chủ Trường Hải nói bản thân lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ bươn chải nuôi các anh em ăn học.

"Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, tôi xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò.

Sau đó, nhờ kiến thức trong nhà trường, tôi đưa ra dự án 'Chuyển đổi tay lái nghịch', dự án của tôi được Bộ GT-VT chấp nhận. Công ty giao cho tôi quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, từ đó tôi có điều kiện tích luỹ và phát huy khả năng của mình. Năm 1997 tôi xin nghỉ và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình".

Đế chế ô tô Việt Nam

Thaco, hay còn được biết đến với cái tên Ô tô Trường Hải, do ông Dương sáng lập năm 1997, đang mở rộng hoạt động kinh doanh ô tô từ sản xuất, lắp ráp, phân phối và bán lẻ các loại xe, trong lúc Việt Nam ngày càng hội nhập ở khu vực và cuộc cạnh tranh trên thị trường ô tô ngày càng gay gắt.

Thaco bắt đầu tiến hành nghiên cứu và sản xuất lắp ráp xe buýt từ năm 2005. Doanh nghiệp nâng dần tỉ lệ nội địa hóa qua từng năm. Từ năm 2013, tỉ lệ nội địa hóa toàn bộ xe buýt của Thaco đạt 50%.

Trong năm 2018, công ty cũng sẽ khánh thành nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda với công suất 50.000 xe/năm và đầu tư nhà máy sản xuất xe tải mới với công suất 100.000 xe/năm.

Một trong các chiến lược nhằm tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô của Thaco là tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, Thaco đã ký kết hợp đồng nhận chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh xe tải, xe buýt Fuso từ công ty Mercedes Việt Nam và ký với Mitsubishi Fuso hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối.

Trong thông điệp gửi đến cán bộ nhân viên Thaco, ông Trần Bá Dương không giấu tham vọng trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành của Việt Nam mang tầm khu vực ASEAN với ngành sản xuất kinh doanh ô tô là chủ lực.

Hội nhập vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn để doanh nhân và doanh nghiệp Việt từng bước cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ở khu vực và trên thế giới, ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco nói trong thông điệp gửi đến cán bộ nhân viên đầu năm 2018.

Tỷ phú Trần Bá Dương: Người xây dựng đế chế ôtô đến người hùng ‘cứu’ bầu Đức và đại gia thuỷ sản
Bên trong nhà máy của Thaco.

Từ năm 2014, Thaco bắt đầu vượt qua Toyota để giữ vị trí dẫn đầu thị phần doanh số ô tô tại Việt Nam cho tới nay.

Thaco nắm giữ 36% thị phần cả nước với doanh số gần 90.000 chiếc ô tô trong năm 2017 và đặt mục tiêu doanh số bán trên 127.000 chiếc ô tô các loại trong năm 2018. Tổng doanh thu năm 2017 của Thaco đạt trên 55.000 tỉ đồng.

Ngoài ô tô, từ vài năm nay, ông chủ Thaco còn lấn sân sang lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản thông qua công ty Đại Quang Minh. Một loạt dự án đang được tiến hành ở Thủ Thiêm như dự án khu đô thị Sala, bốn tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, quảng trường trung tâm, công viên bờ sông... Thaco cũng phát triển ngành kinh doanh mới là sản xuất máy nông nghiệp.

2 thương vụ “giải cứu” khủng đều liên quan nông nghiệp

Trong gần 2 năm nay, hầu như hình ảnh của ông Trần Bá Dương được biết đến nhiều hơn khi tham gia vào công cuộc giải cứu CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG) của ông Dương Ngọc Minh.

Tỷ phú Trần Bá Dương: Người xây dựng đế chế ôtô đến người hùng ‘cứu’ bầu Đức và đại gia thuỷ sản
Ông Dương từng "giải cứu" bầu Đức.

Được biết, bắt đầu từ tháng 3/2018, ông Trần bá Dương đã ứng cho HAGL Agrico các khoản tiền để phát triển thêm diện tích trồng cây ăn trái và thanh toán các khoảng nợ đến hạn là 1.577 tỷ đồng. Đồng thời Thaco chính thức tiến hành nghiên cứu khả thi cho hợp tác đầu tư chiến lược với HAGL.

Ngày 3/8/2018, Thaco đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL để đầu tư vào 2 công ty là HAGL Agrico và HAGL Myamar. Đối với HAGL Agrico, thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi HAGL Agrico chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ khoảng nợ trên) và thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu, Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sở hữu 35% HAGL Agrico với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.

Song song đó, Đại Quang Minh đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myamar với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án này. Theo đó, đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 vốn đang bị chậm trễ để sớm hoàn thành dự án theo cam kết với Chính phủ Myanmar.

Nhìn lại một năm rót vốn vào HAGL Agrico, ông Dương thừa nhận, đây là cuộc "hôn phối" đầy thách thức. Ban đầu ông chỉ định rót một tỷ USD, nhưng thực tế không chỉ dừng lại ở đó, cuộc giải cứu sẽ kéo dài. Hiện giờ, tổng số vốn rót vào nhiều khả năng vượt qua con số tỷ USD.

"Ngày đó nhiều người từng hỏi tôi lỡ cứu HAGL mà chết chìm theo thì làm sao? Ngược lại tôi thấy hợp tác này là cơ duyên và có thể biến nó thành cơ hội", ông Dương tâm sự.

Người đứng đầu Thaco phân tích, sự nghiệt ngã của nông nghiệp là đến lúc cây cần bón phân mà không bón kịp thì cây chết, hỏng hết. Đến lúc trả lương công nhân mà không có thì họ nghỉ sạch. Rất nhiều rủi ro khác nữa, chẳng hạn như liệu có bơm đủ và kịp vốn vào đúng lúc cần không, liệu có xử lý kịp cục nợ quá lớn hoặc là có đủ khả năng tổ chức sản xuất, trồng mới cây ăn trái tới đâu... Nhưng cuối cùng mọi thách thức đều đã vượt qua.

Ông Dương cho biết, đến nay HAGL đã thật sự thoát nguy hiểm. Đóng góp kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của HAGL Agrico ước khoảng 200 triệu USD. Năm 2020 gần như cầm chắc sẽ đạt 500 triệu USD và có thể tiến đến ngưỡng tỷ USD trong những năm kế tiếp.

Tỷ phú Trần Bá Dương: Người xây dựng đế chế ôtô đến người hùng ‘cứu’ bầu Đức và đại gia thuỷ sản
Và tiếp tục "giải cứu" đại gia thuỷ sản Dương Ngọc Minh.

Mới đây, ngày 9/1, CTCP Sản xuất, Chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi (thuộc Thaco) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược với CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG) của ông Dương Ngọc Minh.

Theo đó, Thadi đồng ý đầu tư vào Hùng Vương với tỷ lệ 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Tài chính, chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ bán hàng, tài chính.

Thadi cũng đầu tư 65% vào liên doanh Thadi - Hùng Vương trong mảng sản xuất heo giống (bố mẹ) với quy mô 45.000 con trong năm 2020 và tổng giá trị đầu tư là 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Định.

Với sự hợp tác này, Thadi dự kiến doanh thu xuất khẩu năm 2020 sẽ đạt 600 triệu USD, HAGL Agrico 400 triệu USD và Hùng Vương 550 triệu USD. Tổng cộng kế hoạch của 3 công ty là 1,55 tỷ USD, chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu nông nghiệp của cả nước.

Thadi có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư đến nay là 11.000 tỷ đồng. Ngoài việc hợp tác với Hùng Vương, Thadi cũng sở hữu tổng diện tích đất 29.600 ha (mua lại từ HAGL Agrico) trồng cây ăn trái và trang trại nuôi 90.000 con bò thịt. Đồng thời, chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của HAGL Agrico với diện tích cây ăn trái 26.500 ha.

Điểm chung có thể nhận thấy tại 2 doanh nghiệp được ông Trần Bá Dương giải cứu là đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ông Dương đã có lần bộc bạch ông và Thaco đến với nông nghiệp nhờ 3 nhân duyên.

Nhân duyên thứ nhất là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp kêu gọi ông tham gia mảng sản xuất máy móc nông nghiệp. Nhân duyên thứ hai là khi ông Đoàn Nguyên Đức chủ động đề nghị hợp tác đầu tư vào HAGL. Lần thứ ba chính là khi ông Dương Ngọc Minh đề nghị hợp tác với Hùng Vương tham gia mảng nuôi cá và nuôi heo.

"Ba nhân duyên mang lại cơ hội lớn cho THACO cũng như thể hiện văn hóa chia sẻ, hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam" - ông Dương nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
12.10 +0.40 (+3.42%)
1.40 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả