Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam tăng cao, bài toán đau đầu trong đại dịch
Do ảnh hưởng của đại dịch thị trường lao động Việt Nam trở nên bất ổn. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm (đạt 73,8%), tỷ lệ thất nghiệp tăng cao (2,26%- tương ứng 1,2 triệu người), tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm (2,58%) do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm; 11,6% doanh nghiệp dự báo sẽ giảm lao động trong quý III/2020.
Những con số thống kê kể trên hoàn toàn không bất ngờ vì tăng trưởng GDP đã thể hiện sự khó khăn của toàn nền kinh tế. GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81% (kế hoạch năm 2020 tăng 6,8%), trong đó quý II chỉ tăng 0,36%- là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến 2020).
Không có quá nhiều sự lạc quan trong quý 3. Theo SSI (HM:SSI) Research, thị trường lao động quý 3 có thể cũng không cải thiện nhiều khi tăng trưởng việc làm lĩnh vực công nghiệp chỉ tăng một cách khiêm tốn từ tháng 5 đến tháng 8.
Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dịch Covid-19 tác động đến thị trường lao động theo hướng tồi tệ và bất ổn, tác động này có thể lớn gấp 10 lần tác động so với khủng hoảng tài chính năm 2008. OECD cũng dự báo tác động này ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế thế giới, sẽ cải thiện dần trong thời gian tới nhưng vẫn ở mức cao trong năm 2021, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh và nguy cơ trước làn sóng quay trở lại của dịch Covid-19.
Theo số liệu của Hội đồng Tiền lương Quốc gia tại Báo cáo số 06/BC-HĐTLQG gửi Chính phủ, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Hơn 90% DN lớn và vừa tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020. Khoảng gần 67% DN đã thực hiện ít nhất một trong 4 giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 như: Cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động. Trong đó, 40% doanh nghiệp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên”, trên 28% DN thực hiện cắt giảm lao động.
Đặc biệt tiền lương, thu nhập của người lao động cũng giảm sút- mặc dù từ 1/1/2020 áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận