24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tương lai nào cho bản đồ năng lượng toàn cầu?

Nếu vẫn cứng rắn, Nga sẽ thụt lùi sau 22 năm hội nhập và dòng chảy năng lượng đến EU sẽ chuyển dịch về châu Phi, Mỹ, Trung Đông.

Algeria từ lâu đã là một quốc gia có thị phần trung bình trong cuộc chơi xuất khẩu dầu và khí đốt toàn cầu. Nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã tạo cơ hội cho quốc gia Bắc Phi này vượt lên.

Vài tuần trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã bay đến Algeria để đưa ra một thỏa thuận nhằm thúc đẩy nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ nước này lên 40%, thông qua một đường ống có sẵn chưa được tận dụng chạy bên dưới biển Địa Trung Hải.

Các nhà xuất khẩu dầu và khí đốt khác trước đây không phải là trung tâm trong cuộc đối thoại năng lượng toàn cầu, chẳng hạn như Angola, Nigeria và Congo, cũng đang nổi lên như những nhà cung cấp năng lượng triển vọng cho châu Âu. Trong khi đó, vài quốc gia châu Âu đang nhanh chóng giảm mua khí đốt của Nga và đang chuyển sang các nhà cung cấp khác dù tốn kém hơn như Qatar và Mỹ.

Các động thái này là một phần trong các giải pháp mà châu Âu tìm cách ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vì từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Những quốc gia tiêu thụ lớn khí đốt Nga khác như Đức và Italy, tìm cách trấn an người dân rằng họ đang có giải pháp nếu ông Putin tiếp tục mở rộng động thái.

Nhưng theo hầu hết kịch bản, 18 tháng tới sẽ là một thời gian khó khăn với châu Âu, khi tác động của giá năng lượng cao vẫn lan tràn khắp thế giới. Các chính phủ khối này phải vật lộn để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sưởi ấm nhà dân và giữ cho các nhà máy điện hoạt động.

Không có đủ lựa chọn thay thế trong thời gian tới để tránh những thiệt hại lớn về kinh tế trong mùa đông nếu Nga cắt giảm nguồn cung. Trong tháng này, ngân hàng trung ương Đức cảnh báo rằng nền kinh tế có thể giảm 2% nếu chiến sự kéo dài.

"Những gì đang diễn ra là một cuộc chơi rất nguy hiểm. Tôi không biết chuyện này sẽ kết thúc như thế nào. Có vẻ như nó sẽ kết thúc với viễn cảnh tồi tệ cho cả Tây Âu và Nga", Edward Chow, Chuyên gia về an ninh năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định. "Không ai có thể sản xuất thêm nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng một cách nhanh chóng", ông nói thêm.

Theo Daniel Yergin, Nhà sử học năng lượng kiêm Phó chủ tịch của S&P Global, những gì đang xảy ra là sự sắp xếp lại đột ngột của thị trường năng lượng toàn cầu, do hành động bất ngờ từ Nga. Trước đó, nước này đã dành nhiều thập kỷ cố gắng sử dụng trữ lượng dầu khí dồi dào của mình để hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Hiện tại, thị trường khí đốt của châu Âu đã trở thành bức tranh chắp vá. Italy có thể quay sang Algeria. Bulgaria có thể quay sang Hy Lạp và Ba Lan để nhập đường tàu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và qua đường ống trực tiếp từ Na Uy.

"Đó là sự sắp xếp lại bản đồ năng lượng thế giới một cách ấn tượng, bất ngờ. Hai tháng trước, người châu Âu không tưởng tượng được việc Nga cắt nguồn cung năng lượng. Còn giờ đây thì câu hỏi là bao lâu nữa", Yergin nói. Theo vị chuyên gia, mọi thứ diễn ra rất nhanh. "Chỉ trong 8 tuần chiến sự, Putin đã phá hủy thành quả mà ông ấy đã dành 22 năm xây dựng là đưa nước Nga hội nhập vào nền kinh tế thế giới", ông nói.

Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, đặc biệt không được chuẩn bị cho tình thế này. Hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt của họ đến từ Nga trước khi có khủng hoảng Ukraine. Đức đã thu hẹp con số đó xuống còn 35%, nhưng không có cách nào tốt để sớm từ bỏ khí đốt của Nga.

Nước này thiếu cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG và quan điểm chống điện hạt nhân mạnh mẽ của họ đã khiến chỉ còn ba lò phản ứng hoạt động. Có đến 14 lò đã bị đóng cửa sau khi sóng thần tấn công khu phức hợp hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck dự đoán đất nước rơi vào suy thoái nếu không có khí đốt của Nga. "Tôi rất coi trọng vấn đề này", ông nói. Đức đồng thời đã cố gắng giảm tỷ lệ nhập khẩu dầu thô của Nga từ 35% xuống còn 12%.

Thay vì mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga - nơi chi phí sản xuất rất thấp và vận chuyển bằng đường ống lại rẻ, châu Âu trước mắt phải chuyển sang các lựa chọn thay thế đắt tiền hơn như Mỹ.

Với cách này, châu Âu phải chi thêm 1,5 USD cho mỗi một nghìn foot khối - tức từ 30% đến 50% chi phí khí đốt - để có một tàu chở LNG từ vịnh Mexico đến châu Âu. Sau đó, con tàu trống phải thực hiện chuyến trở về, tổng cộng mất 24 ngày.

Châu Âu vận động nhanh nhất có thể để đa dạng hóa nguồn cung, nhưng các nhà sản xuất năng lượng không thể theo kịp. Một dự án cung cấp nguồn khí đốt tự nhiên mới thường mất ít nhất từ hai đến bốn năm. Đồng thời, các nhà đầu tư có thể cảnh giác với các dự án khí đốt tự nhiên lớn, vì dài hạn các chính phủ muốn chuyển sang các loại năng lượng thân thiện với môi trường hơn.

Cliff Kupchan, nhà phân tích chính trị và chủ tịch của công ty tư vấn và tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết quá trình chuyển đổi của châu Âu sang năng lượng tái tạo và các nguồn khí đốt khác sẽ nhanh hơn.

Dù vậy, nỗ lực dùng năng lượng tái tạo nhiều hơn vẫn là một đề xuất dài hạn, phức tạp bởi các vấn đề chuỗi cung ứng. Giá năng lượng tái tạo trên toàn thế giới sau gần hai thập kỷ giảm, đã tăng lên trong năm qua. Ở châu Âu có rất ít cơ hội để bổ sung nhiều khách hàng năng lượng tái tạo mới một cách nhanh chóng.

"Vấn đề không còn là nguồn cung cấp," Flemming Sorenson, Phó chủ tịch Châu Âu của LevelTen Energy, công ty đàm phán các thỏa thuận mua điện, cho biết. "Có rất ít hợp đồng năng lượng tái tạo mới có thể được ký kết và sẵn sàng bắt đầu trước năm 2024", ông nói.

Sorenson chỉ ra Tây Ban Nha như một ví dụ về những trở ngại quy định cũng cản trở sự xoay chuyển nhanh chóng đến các dạng năng lượng khác. Có hơn 70 gigawatt điện mặt trời đang chờ được triển khai ở đó. Nhưng quá trình triển khai rất chậm chạp.

Trong khi đó, trọng tâm nguồn cung đang được kỳ vọng dịch về phía Nam. Roberto Cingolani, Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi năng lượng của Italy, cho biết nước này đang chạy đua để đạt được các thỏa thuận với một số quốc gia châu Phi và hy vọng sẽ độc lập về năng lượng với Nga vào mùa xuân năm 2024.

"Đó là một sự thay đổi thực sự, di chuyển trọng tâm của hệ thống về phía nam. Tôi nghĩ rằng toàn bộ châu Âu nhận ra rằng phụ thuộc phần lớn vào một quốc gia, một nhà cung cấp duy nhất, không phải là điều thông minh", Cingolani nói. Đích thân ông đã đến Angola và Congo, để tìm kiếm nguồn cung.

Dù sao thì Italy vẫn có vị trí tốt hơn các quốc gia châu Âu khác để xử lý quá trình chuyển đổi. Nước này đã có hai đường ống dẫn đến châu Phi và một đường ống khác đi về phía đông tới Azerbaijan. Tuy nhiên, kế hoạch dự phòng sẽ mất một thời gian để triển khai và quốc gia này vẫn sẽ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung.

Theo kịch bản như vậy, người tiêu dùng Italy có thể phải giảm sử dụng điều hòa nhiệt độ. Các công ty có thể đối mặt với việc gián đoạn cung cấp năng lượng. "Hy vọng là chúng tôi không phải làm nhiều như vậy. Hy vọng là không phải làm gì cả", Cingolani nói.

Một điều có thể làm giảm bớt áp lực giá với các quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng là sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. S&P Global ước tính các đợt phong tỏa mới nhất ở Trung Quốc có thể đã làm giảm nhu cầu dầu thế giới xuống một triệu thùng mỗi ngày. Mỹ và các quốc gia khác đang rút bớt các kho dự trữ chiến lược với tốc độ 1,3 triệu thùng mỗi ngày. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại 3,6% trong năm nay.

Đây cũng là thời điểm trong năm mà châu Âu được xây dựng các kho chứa khí đốt. Năm ngoái, việc Nga cắt giảm nguồn cung đã khiến việc vượt qua mùa đông trở nên khó khăn. Nếu Nga cắt giảm tất cả các dòng khí đốt của mình, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Đức, với kho dự trữ hiện chỉ đầy 33,5%; Italy ở mức 35% và Hungary ở mức 19,4%, theo RBC Capital Markets.

Tất cả tương lai này sẽ về đâu phụ thuộc vào các động thái tiếp theo của Điện Kremlin. Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ khí đốt và dầu mỏ. Nước này sẽ tự gây ra những tổn thất kinh tế khi dừng bán hàng cho châu Âu. Đồng thời, các khách hàng châu Âu đã tuyên bố sẽ hoàn tất việc dừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027. Vì vậy, khả năng Nga sử dụng sức mạnh năng lượng như một vũ khí kinh tế chống lại châu Âu sẽ giảm dần. Một số nhà phân tích cho rằng điều đó có thể thúc đẩy Nga sử dụng vũ khí đó ngay bây giờ, khi nó còn có đòn bẩy.

Tất cả những điều này đang tạo ra cơ hội mới ở Algeria và các quốc gia châu Phi khác. Algeria đã xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trước khi chiến sự nổ ra. Chúng đi qua đường ống đến Italy và Tây Ban Nha. Algeria cũng có thêm năng lực trong các cơ sở chế biến LNG. Nhưng có một số vấn đề ngăn cản họ xuất khẩu hơn nữa. Chúng bao gồm lo ngại về việc có đủ nhiên liệu cho tiêu dùng nội địa khi nền kinh tế quốc gia phát triển, cũng như các cân nhắc địa chính trị xung quanh việc có nên ràng buộc quá chặt chẽ với châu Âu.

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất với Algeria và các quốc gia châu Phi khác đang có trữ lượng lớn khí đốt tự nhiên lớn, là việc châu Âu ưa chuộng khí đốt từ Nga vì rẻ và sẵn có hơn, theo Vijaya Ramachandran, Chuyên gia năng lượng châu Phi tại Viện Đột phá (California, Mỹ). Châu Âu cũng nhìn thấy việc tạm mua khí đốt của Nga là con đường dễ dàng hơn để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Vì lựa chọn này không yêu cầu đầu tư mới lớn vào đường ống và cơ sở hạ tầng trong và ngoài nước, thay vì tốn tiền đầu tư thêm nếu mua từ châu Phi.

"Châu Phi đã muốn phát triển trữ lượng khí đốt tự nhiên của mình từ lâu. Nhưng các nhà đầu tư nói rằng nó quá khó, xa và đắt. Điều đó đã thay đổi. Đây là một thời điểm cho châu Phi. Tôi nghĩ rằng các quốc gia có nguồn dự trữ đáng kể đang được các nhà đầu tư châu Âu quan tâm nhiều", Ramachandran nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả