Tuần kiếm lời của giới đầu tư khi cổ phiếu ngân hàng Mỹ lao dốc
Cổ phiếu ngân hàng Mỹ có tuần biến động mạnh không vì rủi ro rút tiền của người dân mà do hoạt động bán khống kiếm lời.
Tuần qua, cổ phiếu các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ của Mỹ biến động dữ dội vào phiên 4/5 và 5/5. Cổ phiếu PacWest mất một nửa giá trị vào thứ năm sau khi nhà băng có trụ sở tại California cho biết đang xem xét tất cả lựa chọn chiến lược. Cổ phiếu của Western Alliance trụ sở tại Arizona giảm 39% dù đã phủ nhận thông tin cân nhắc bán mình của Financial Times.
Một số cổ phiếu ngân hàng khu vực khác như Zions (Utah) và Comerica (Texas) cũng bị giảm 12%. Đến hôm thứ sau, cổ phiểu các ngân hàng tăng điểm nhưng vẫn giảm mạnh so với tuần trước.
Phố Wall đang tìm hiểu bất kỳ dấu hiệu dễ bị tổn thương nào trong hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng là Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank. Vấn đề là đà bán tháo cổ phiếu không xuất phát từ xu hướng rút tiền của người dân.
"Các ngân hàng không có biến động tiền gửi bất thường sau khi First Republic Bank được bán lại và các tin tức khác", PacWest cho biết trong một tuyên bố. Nhà băng này đồng thời lưu ý 75% tiền gửi đã được bảo hiểm kể từ ngày 2/5.
Theo lý giải của Stephen Biggar, Giám đốc tổ chức tài chính tại Argus Research, dao động của cổ phiếu ngân hàng tuần qua có thể do bán khống, một hoạt động mà nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán và sau đó mua trở lại khi giá nó thấp hơn để trả và kiếm lời từ khoản chênh lệch nhờ đặt cược vào giá giảm.
Theo dữ liệu từ S3 Partners, giá trị của các vị thế bán cổ phiếu ngân hàng đạt 15,1 tỷ USD vào giữa tháng 4, tăng từ khoảng 13,7 tỷ USD một năm trước. Vị thế bán là khi nhà đầu tư mua số lượng cổ phiếu đã vay với giá thấp hơn. Trong 30 ngày qua, các nhà phân tích của S3 Partners đã theo dõi 569 triệu USD trong đợt bán khống mới. "Nếu phát hiện ra rằng có một lượng lớn hoạt động bán khống đang diễn ra, tôi nghĩ điều đó không được phép tồn tại", Biggar nói.
Tại Mỹ, các hạn chế bán khống đã được áp đặt từ tháng 3/2020 trong thời gian giới bán khống tìm cơ hội trong cơn hoảng loạn Covid-19. Nhưng trước tình hình cổ phiếu các ngân hàng khu vực bị bán khống và các nhà đầu tư thiếu thận trọng mua khống, giới ngân hàng đang yêu cầu Washington giúp đỡ.
Các tổ chức tài chính đang kêu gọi Chủ tịch Ủy ban chứng khoán (SEC) Gary Gensler và các nhà hoạch định chính sách khác phải trấn áp - ví dụ như đưa ra một lệnh cấm tạm thời - đối với các chiến lược bán khống kiếm lời khi cổ phiếu ngân hàng trượt giá. "Đã đến lúc SEC phải nhảy vào", Bill Isaac, Cựu Chủ tịch FDIC dưới thời Tổng thống Ronald Reagan nói. Ông đề nghị SEC đình chỉ hoạt động bán khống khi các CEO ngân hàng cầu cứu.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng Tiêu dùng Lindsey Johnson kêu gọi các nhà hoạch định chính sách "xem xét nghiêm túc vai trò của những người bán khống trên thị trường và tác động của họ đối với niềm tin của người Mỹ vào hệ thống tài chính".
Phản hồi các ý kiến, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói chính quyền đang theo dõi chặt chẽ áp lực bán khống "đối với các ngân hàng lành mạnh". Chủ tịch SEC Gary Gensler thì cảnh báo cơ quan này sẽ điều tra và truy tố "bất kỳ hình thức hành vi sai trái nào" trong bối cảnh biến động và không chắc chắn.
Một quan chức cấp cao của SEC nói với Politico rằng hiện Ủy ban không dự tính bất kỳ lệnh cấm nào đối với việc bán khống cổ phiếu ngân hàng. Động thái này cũng có lý do từ kinh nghiệm lịch sử. Vào năm 2008, khi thị trường lao dốc, Chủ tịch SEC khi đó là Chris Cox đã tạm dừng cho bán không với gần 1.000 cổ phiếu tài chính nhằm khôi phục niềm tin thị trường. Nhưng sau đó ông phải hối hận.
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York đánh giá rằng lệnh cấm của SEC không có tác dụng trong việc ngăn chặn các cổ phiếu tài chính lao dốc. Một nghiên cứu khác cũng phát hiện hầu hết các cổ phiếu nằm trong lệnh cấm đều bị "suy giảm nghiêm trọng" về chất lượng.
Isaac Boltansky, Giám đốc nghiên cứu chính sách tại công ty dịch vụ tài chính BTIG, cho biết có rất ít khả năng SEC chọn cách cấm bán khống. Một lý do khác là nếu ban hành lệnh cấm thì SEC cũng sẽ chính thức tuyên chiến với ngành quỹ tư nhân, lực lượng thường tham gia kiếm lời từ các vụ bán khống. "Sẽ là một sai lầm về quy định nếu lặp lại những sai lầm trong quá khứ", Bryan Corbett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội các quỹ cảnh báo.
Theo Politico, sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng là một vấn đề đau đầu nữa đối với chính quyền Biden khi họ cố gắng lèo lái nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang tích cực chống lạm phát.
Dữ liệu được công bố hôm thứ sáu cho thấy tuyển dụng tại Mỹ vẫn tăng mạnh trong tháng 4. Nhưng tình trạng hỗn loạn ngành ngân hàng vẫn là một rủi ro tiềm ẩn khiến vốn cho doanh nghiệp nguy cơ bị thắt chặt và liên lụy dây chuyền đến thị trường lao động.
Có một rủi ro rằng khách hàng thấy giá trị cổ phiếu của các ngân hàng giảm xuống và cho rằng họ đang gặp rắc rối. Khi ấy, làn sóng ồ ạt rút tiền sẽ diễn ra. Tom Michaud, Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Keefe, Bruyette & Woods cho rằng bất an chỉ thực sự kết thúc khi mọi người nhận được một số hình thức can thiệp của chính phủ.
Ông đang vận động cho Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ - tổ chức đảm bảo số tiền gửi lên tới 250.000 USD mỗi người mỗi ngân hàng - chấp nhận bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi ở Mỹ trong một năm.
Biện pháp đó sẽ giúp thị trường tài chính lắng dịu và tạo không gian cho quốc hội hiện đại hóa khuôn khổ bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo nó được thiết lập cho thời đại truyền thông xã hội, chuyển khoản ngân hàng nhanh chóng và lượng tiền gửi không được bảo hiểm ngày càng tăng."Chúng ta cần thời gian chuẩn bị", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận