Tư duy về tiền của trẻ nhỏ và câu chuyện cha mẹ giữ tiền mừng tuổi của con là bị phạt
Có rất nhiều cách để trẻ em cất giữ tiền mừng tuổi dịp năm mới...
Muôn kiểu sử dụng tiền lì xì của trẻ em
Sau Tết nguyên đán 2022, trên đường ra Hà Nội, cô cháu gái Gia Linh (9 tuổi) của tôi khóc thút thít suốt dọc đường. Lúc dừng xe nghỉ uống nước tôi mới hỏi chuyện, cháu bảo mẹ cháu cầm toàn bộ số tiền lì xì của cháu mà không trả lại. Tôi bèn nói để đó bác mượn một thời gian. Có vẻ như cô cháu thấy đây là cơ hội tốt để lấy lại tiền từ mẹ nên đồng ý không một chút do dự. Cháu quay sang nói: "Cháu cho bác mượn 2.350.000 đồng mà mẹ cháu đang cầm của cháu, bác lấy từ mẹ giúp cháu, đến Tết năm sau bác trả cháu 3.500.000 đồng". Tôi hỏi lại sao lại có sự chênh lệch như vậy, cháu bảo đó là tiền lãi suất.
Tôi nói nếu cháu lấy lãi như vậy thì bác không vay nữa. Thế là cháu quyết đòi tiền từ mẹ, nó bảo đang có quy định nếu người lớn giữ tiền mừng tuổi của trẻ con bị phạt rất nặng, số tiền phạt lên đến 30 triệu.
“Nếu mẹ không trả lại sau khi ra đến Hà Nội chắc chắn con sẽ đến công an phường để trình báo sự việc với các chú công an”, cháu nhỏ bức xúc.
Trong khi có, cậu anh trai của Gia Linh học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học ở Đông Anh cho biết, số tiền cháu bóc từ các phong bao lì xi được nhiều hơn của em, cháu giữ số tiền này để mua một chiếc xe đạp và tự đi học.
“Cháu đã gửi lại cho bố mẹ để ra đến Hà Nội là đi mua xe đạp”, cháu nói.
Còn Nguyên Minh (8 tuổi) học sinh lớp 3 thì chọn cách sau Tết bóc những phong bao lì xì và bỏ vào lợn đất để tiết kiệm, chờ đến sang năm có lì xì nữa bỏ thêm vào lợn, nuôi đến khi đầy, cháu sẽ bảo bố mẹ cháu mua cho một chiếc điện thoại iPhone 14 mới để chơi game.
Có thể thấy, ngay từ khi còn bé, mỗi người đều có cho mình những tư duy khác nhau về tiền bạc và rất nhiều người trong số đó có tư tưởng tích góp để hoàn thành các mục tiêu, mơ ước của bản thân.
Trẻ em có quyền có tài sản và định đoạt tài sản
Trở lại với câu chuyện của Gia Linh, sau khi ra Hà Nội đi làm việc trở lại tôi mới có thời gian tìm hiểu kỹ và kiểm chứng thông tin cô cháu đưa ra khi dọa mẹ đòi lại số tiền lì xì mẹ cháu đang cầm. Những vấn đề cháu nêu ra là hoàn toàn có cơ sở.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính pháp cho hay, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em trong đó có quyền "có tài sản, quyền định đoạt tài sản và quyền tham gia các quan hệ dân sự".
Tùy vào từng độ tuổi nhất định, trẻ em được quyền tham gia các giao dịch dân sự. Đối với tài sản riêng, pháp luật quy định trẻ em hoàn toàn có quyền có tài sản riêng và được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu với tài sản riêng.
Bởi vậy, Luật sư cho biết, nhiều người không biết hành vi thu tiền lì xì của trẻ em, sử dụng trái phép tiền lì xì của con là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.
Theo Luật sư Cường, Điều 58, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi bạo lực về kinh tế như "người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng". Theo đó, chỉ khi có hành vi "chiếm đoạt tài sản riêng" của thành viên trong gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em...) mới bị phạt 20-30 triệu đồng. Mức phạt này tăng mạnh so với quy định cũ tại điểm a, khoản 2, Điều 56, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (từ 500.000 đến 1.000.000 triệu đồng).
Luật sư cho biết, theo Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình, trẻ em có quyền có tài sản riêng.
Cụ thể, tài sản riêng của trẻ em bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của trẻ em, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của trẻ em và thu nhập hợp pháp khác.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng quy định về việc quản lý tài sản riêng như tiền lì xì của trẻ em, cụ thể như sau:
- Trẻ em dưới 06 tuổi không được phép tham gia các quan hệ dân sự, việc chi tiêu tiền của trẻ em dưới 06 tuổi do cha mẹ, người giám hộ quyết định.
- Trẻ em từ 06 đến 15 tuổi có quyền tham gia các quan hệ dân sự để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình.
- Trẻ em từ 15 tuổi trở lên có toàn quyền quyết định đối với tài sản của mình, trừ bất động sản và tài sản có đăng ký quyền sở hữu.
Như vậy, với trẻ em dưới 06 tuổi, tiền lì xì có thể do cha mẹ giữ nhưng việc sử dụng phải phục vụ cho nhu cầu của trẻ em và cha mẹ không được phép chiếm dụng. Trẻ em 06 - 15 tuổi có thể giữ tiền mừng tuổi để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cá nhân phù hợp với lứa tuổi của mình.
Trẻ em chi tiêu số tiền lớn không phải nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân cần có ý kiến của người giám hộ. Trẻ em từ 15 tuổi trở lên hoàn toàn có quyền cầm giữ toàn bộ số tiền mừng tuổi của mình và có toàn quyền chi tiêu mà không phụ thuộc vào ý kiến của cha mẹ.
Ngoài ra, Luật sư cũng cho rằng, khi xã hội ngày càng văn minh, các quyền của công dân ngày càng được ghi nhận và đảm bảo đầy đủ trong đó có quyền trẻ em. Các bậc cha mẹ, ông bà cũng cần tìm hiểu các quy định pháp luật, quyền của trẻ em để tôn trọng và bảo vệ các em.
Do đó, để có căn cứ xử phạt cha mẹ giữ tiền lì xì của con, nhà chức trách cần xem xét đây có phải là hành vi "chiếm đoạt tài sản riêng của con" hay không. Nếu giữ tiền lì xì của con thường để con tiết kiệm tiền, không tiêu sai mục đích và dùng chi tiêu cho con trong các hoạt động khác thì không bị phạt.
Chiếm đoạt tài sản được hiểu là một người bằng thủ đoạn gian dối hoặc ngang nhiên, công khai chiếm đoạt tài sản của người khác, làm chủ tài sản không còn được sử dụng nó. Do đó, rất hiếm trường hợp, cha mẹ giữ tiền lì xì của con vì muốn chiếm đoạt tài sản của con.
"Quy định pháp luật là vậy nhưng thực tế sẽ khó khi áp dụng, muốn xử phạt được phải căn cứ tố cáo và các chứng cứ liên quan khác. Bởi vậy không phải cứ giữ tiền lì xì của con, cha mẹ sẽ bị xử phạt", Luật sư Cường cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận