24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
GS Trương Nguyện Thành Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tư duy và thói quen của những người thành đạt

‘Tin tưởng của bạn tạo nên suy nghĩ, suy nghĩ tạo nên lời nói, lời nói tạo nên hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên giá trị và giá trị tạo nên số phận của bạn’ là câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi. Những tin tưởng ấy hình thành tư duy của bạn. Nói một cách khác tư duy của bạn là yếu tố quan trọng quyết định số phận cuộc đời của mình. Nhiều nghiên cứu về tư duy và thói quen của những người thành đạt đã rút ra một số mẫu số chung như sau:

1. Truy tìm thử thách

Theo cơ chế hoạt động mặc định của não bộ thì con người bình thường ưa chuộng tính ổn định và an toàn nhưng theo định luật Yerkes-Dodson thì hiệu suất tối ưu xảy ra ở mức độ căng thẳng vừa phải. Những thử thách đẩy con người ra khỏi vùng an toàn, kích thích sự phát triển, độ tập trung và học tập. Thêm nữa thử thách giúp phá vỡ những tin tưởng về khả năng của cá nhân về hoạt động đó và trải nghiệm có thể được chuyển đổi khi họ đối diện với thử thách khác. Điều này thúc đẩy phát triển tư duy cầu tiến (Growth mindset).

Bé Ngọc sau khi hoàn tất chuyến đạp xe 600km từ SG đi Đất Mũi, Cà Mau trong 6 ngày trong chuyến đạp xe xuyên Việt của tôi cho đến nay vẫn còn nghi vấn tại sao mình làm được điều đó vì nó là điều không thể đối với cô. Tuy nhiên trong thời gian qua khi đứng trước một thử thách nào khó mà cô hoài nghi khả năng của mình thì cô đều tự nhủ ‘SG đến Cà Mau 600km mà tôi còn đạp được thì chuyện này làm khó tôi được sao?’ Câu hỏi này giúp đưa tâm thế của cô vào trạng thái dấn thân vào thử thách để vượt qua chứ không né tránh.

2. Cho phép mình làm sai

Phù hợp với lý thuyết tư duy cầu tiến của Carol Dweck, việc cho phép mình làm sai có nghĩa là chấp nhận lỗi lầm như những cơ hội học tập. Đương nhiên không phải là chấp nhận ‘nhân vô thập toàn’ khi vấp ngã là xong mà điều quan trọng là ở khả năng rút ra bài học kinh nghiệm sau đó. Tư duy này củng cố khả năng phục hồi và khuyến khích học tập và cải thiện liên tục.

Các bạn làm khởi nghiệp công nghệ hiểu rất rõ khi sản phẩm mới ra thị trường lần đầu thì nó thường có nhiều lỗi và khiếm khuyết. Các phiên bản sau cải thiện dần các lỗi ấy và kể cả hiệu suất hoạt động của chúng. Việc cho phép mình sai không giới hạn ở việc tạo dựng sản phẩm mà có thể ứng dụng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.

3.Mong cầu lời khuyên chứ không phải phản hồi

Phản hồi tập trung vào hành động trong quá khứ trong khi đó mong cầu lời khuyên hướng về tương lai và khuyến khích sự phát triển có tính xây dựng và chủ động. Đây là khái niệm ‘Hướng về phía trước’.

Thay vì hỏi ‘Bạn có góp ý gì cho dự án vừa được trình bày không?’ thì ta có thể hỏi ‘Bạn có góp ý gì để tôi có thể làm cho dự án tiếp theo hiệu quả hơn?”

4. Phấn đấu đạt chuẩn chỉnh chứ không hoàn hảo

Khi bạn phấn đấu để chuẩn chỉnh là bạn đặt mục tiêu về sự tự hoàn thiện và phát triển bản thân với những mục tiêu thực tế có thể đạt được. Bạn tập trung vào quá trình hơn là kết quả cuối cùng cũng như chấp nhận sai sót và thất bại như một phần của quá trình học tập. Trong khi đó người có tư duy cầu toàn sẽ bị ám ảnh với việc làm mọi thứ một cách tuyệt đối chính xác và không sai sót. Họ thường đặt ra các tiêu chuẩn không thực tế, quá cao và tập trung quá nhiều vào kết quả cuối cùng. Thường họ tìm cách tránh sai sót bằng mọi giá, dẫn đến căng thẳng và áp lực tâm lý.

Nói chung, chuẩn chỉnh lành mạnh và có lợi hơn cho sự phát triển bản thân, trong khi đeo đuổi sự hoàn hảo có thể dẫn đến các hậu quả tâm lý tiêu cực.

5. Mình nghĩ gì về mình mới là quan trọng

Nếu bạn để ý đến các biểu tượng thành công nhất là các biểu tượng công nghệ thì họ thường có tí cố chấp với điều họ muốn làm. Tuy họ có lắng nghe những góp ý hay phê bình của người khác, họ có khả năng sàng lọc thông tin giúp họ cải thiện điều họ muốn làm và hầu như gạt bỏ ngoài tai những lời phê bình có tính cá nhân. Điều này giúp họ tập trung vào điều mà họ có kiểm soát - thông tin, nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc và hành động của họ và từ đó dẫn đến kết quả của những gì họ làm. Họ không có khả năng kiểm soát hay thay đổi suy nghĩ của người khác về họ nên họ không mất thời gian để cố làm điều đó. Từ đó tư duy này giúp phát triển trách nhiệm bản thân và tính tự chủ tự chịu trách nhiệm.

6. Lùi một bước để tiến ba bước

Giống như khái niệm "thất bại có năng suất", lùi lại một bước sau khi gặp phải đường cùng hay thất bại có thể giúp dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn và các giải pháp mới sáng tạo hơn. Nếu ta không làm điều này dễ dẫn đến việc lặp lại vòng luẩn quẩn mà không biết vì sao. Ông Einstein từng nói ‘Chỉ có những tên điên mới lặp lại cùng một thí nghiệm nhưng mong muốn có kết quả khác!’

Mặc dù ông Edison thí nghiệm với vật liệu làm bóng đèn điện đến cả 10.000 lần nhưng đó là 10.000 thí nghiệm khác nhau. Sau mỗi thí nghiệm, ông đánh giá kết quả, xem xét lại và sửa đổi giả thuyết ban đầu để dẫn đến những hiểu biết mới và kết quả mới.

7. Dạy những gì bạn muốn học

Dựa trên “hiệu ứng protégé” được tìm thấy trong tâm lý học về giáo dục, việc dạy người khác củng cố và làm sâu sắc thêm hiểu biết của chính bản thân mình. Việc dạy người khác yêu cầu bạn phải tổ chức kiến thức, làm sâu sắc hiểu biết của chính mình ngoài việc nó tạo động lực giúp bạn phấn đấu để hiểu biết sâu về điều mà bạn muốn học.

Lúc trẻ thời còn bán thuốc lá, việc dạy kèm toán cho các bạn trong lớp THCS giúp tôi có động lực học và hiểu biết sâu hơn về môn này. Điều này giúp tôi có nền tảng về toán tốt khi lên THPT tuy phải lo đi cày mướn để kiếm sống.

8. Biến công việc hàng ngày thành niềm vui

Điều này được căn chỉnh với lý thuyết về trạng thái hòa nhập (flow) của Csikszentmihalyi, trong đó tìm thấy niềm vui trong nhiệm vụ hàng ngày dẫn đến trạng thái tập trung, thích thú và thỏa mãn với hoạt động của mình.

Mặc dù nhịp sinh học của tôi là thức dậy 6h sáng nhưng để dạy KiDao tôi phải dậy lúc 4h50 sáng để chuẩn bị dạy lúc 5h30 và dạy hai lớp liên tục các ngày trong tuần. Tương tác với các học viên và nhìn thấy được hiệu quả của việc tập KiDao lên sức khỏe thể chất và tinh thần của học viên tạo cho tôi niềm vui khi thức dậy mỗi sáng. Thường đến 7h30 thì tôi bắt đầu ngày mới với tràn đầy năng lượng và sảng khoái suốt ngày.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

GS Trương Nguyện Thành Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả