Tự doanh kém hiệu quả, Chứng khoán APG lỗ sau thuế gần 77 tỷ đồng trong quý 2
CTCP Chứng khoán APG (HOSE: APG) công bố BCTC quý 2/2022 với doanh thu hoạt động tăng 118% so với cùng kỳ, song báo lỗ gần 77 tỷ đồng.
Cụ thể, quý 2, doanh thu hoạt động của APG tăng thêm 40 tỷ đồng, lên gần 74 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu môi giới tăng 28%, lên gần 6 tỷ đồng, dù có thị trường chứng khoán gặp nhiều biến động.
Kết quả kinh doanh quý 2/2022 của APG. Đvt: Tỷ đồng
Về mảng tự doanh, quý 2, APG không có lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL).
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng đột biến, thêm 172 tỷ đồng lên hơn 173 tỷ đồng. Nguyên nhân do ghi nhận lỗ tài sản FVTPL gấp 536 lần cùng kỳ, lên hơn 170 tỷ đồng; chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài FVTPL hơn 152 tỷ đồng, gấp 25,000 lần cùng kỳ.
Chi phí này tăng kéo theo mảng tự doanh lỗ hơn 170 tỷ đồng.
Kết quả, APG báo lỗ sau thuế quý 2 gần 77 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của APG đạt gần 191 tỷ đồng, tăng 305% so cùng kỳ; song lợi nhuận sau thuế giảm sâu 97%, xuống còn 894 triệu đồng.
Một số chỉ tiêu tài chính của APG tại ngày 30/06/2022. Đvt: Tỷ đồng
Tại ngày 30/06/2022, tổng tài sản của APG gần 1,861 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 87% với gần 1,615 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tiền tương đương tăng đột biến lên 233.5 tỷ đồng, gấp 62 lần đầu năm. Nguyên nhân do Công ty gia tăng tiền gửi ngân hàng cho hoạt động công ty chứng khoán.
Ngược lại, tài sản FVTPL ghi nhận mức giảm nhẹ 7%, xuống còn gần 380 tỷ đồng, song Công ty không thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư.
Hiện, APG đầu tư cổ phiếu niêm yết với giá trị còn lại 379 tỷ đồng. Ước tính theo giá thị trường, khoản mục này đang tạm lỗ hơn 30 tỷ đồng.
Trong kỳ, khoản trả trước cho người bán gấp 10 lần đầu năm, thêm 633 tỷ đồng lên 689 tỷ đồng, chủ yếu do khoản mục trả trước tiền mua cổ phần.
Dư nợ cho vay quý 2 giảm 81.5% so với đầu năm, xuống còn 68 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc cho vay ký quỹ (margin) đạt gần 63 tỷ đồng, ứng trước tiền bán chứng khoán hơn 5 tỷ đồng, tương ứng giảm 82% và 54.3% so với đầu năm.
Năm 2022, APG đặt kế hoạch tổng doanh thu và lãi sau thuế lần lượt đạt 750 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, tăng 96% và 48.8% so với năm 2021. Kết quả, APG mới thực hiện được 6.5% mục tiêu doanh thu và 0.2% mục tiêu lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận