Từ chối khí đốt Nga, các nước châu Âu yêu cầu Algeria “tăng viện”
Cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục tác động và làm xáo trộn chuỗi phân phối năng lượng trong khu vực.
“Chúng tôi là một quốc gia Địa Trung Hải. Chúng tôi là một quốc gia sản xuất khí đốt. Chúng tôi ngày càng được các đối tác ở châu Âu yêu cầu cung cấp thêm khí đốt”, Ngoại trưởng Algeria Ahmed Attaf cho biết hôm 28/4.
Phát biểu tại cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út, ông Attaf lưu ý rằng cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục tác động và làm xáo trộn chuỗi phân phối năng lượng trong khu vực.
Khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước châu Âu – phần lớn phụ thuộc vào khí đốt Nga – bắt đầu tìm cách giảm sự phụ thuộc này và tìm kiếm nguồn cung thay thế. Do đó, Alregia đã được nhắm tới.
Ví dụ, Italy – phụ thuộc vào Nga tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu – đã đàm phán một thỏa thuận năng lượng dài hạn với công ty Sonatrach thuộc sở hữu nhà nước của Algeria.
Theo thỏa thuận, quốc gia Bắc Phi sẽ tăng dần dòng khí đốt cho Italy thông qua đường ống Transmed, bao gồm thêm 9 tỷ m3 khí đốt trong năm nay, và được bổ sung bằng các giao dịch mua giao ngay.
Algeria cũng là nhà cung cấp khí đốt chính cho Tây Ban Nha và Pháp. Xét về quy mô thị trường, Algeria có trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh lớn thứ 10 trên toàn cầu và là nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ 4 thế giới. Điều này cho phép Algieria tăng cường vai trò chiến lược và chính trị của mình trong khu vực.
Quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng đầu năm 2023, đạt 8,8 tỷ m3. Các quốc gia trong vành đai châu Âu đã được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này, hấp thụ 3,7 tỷ m3 LNG của Algeria tính đến năm 2023, theo Bloomberg.
Nỗ lực của Algeria nhằm tăng cường sản xuất trong nước và duy trì xuất khẩu khí đốt ở mức cao sẽ đòi hỏi phải tiếp tục phát triển các mỏ khí đốt, tương tự như dự án Tăng cường giai đoạn 3 mỏ Hassi R’mel của Sonatrach, đã giúp nâng cao mức sản xuất vào năm 2021.
“Xung đột Palestine-Israel cũng đang ảnh hưởng đến khu vực của chúng ta, và chúng ta có khu vực Sahel… đòi hỏi sự can thiệp hiệu quả hơn từ Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an”, Ngoại trưởng Algeria lưu ý khi dự sự kiện ở Riyadh.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia đã cảnh báo rằng cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza có thể đe dọa nghiêm trọng đến thị trường khí đốt tự nhiên trong khu vực và có thể ảnh hưởng đến nguồn cung LNG cho châu Âu.
Viễn cảnh Iran, nước ủng hộ Hamas và là kẻ thù không đội trời chung của Israel, bị lôi kéo vào cuộc xung đột cũng gây ra rủi ro nghiêm trọng cho thị trường năng lượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận