TTCK Mỹ sẽ sập trong năm 2025?
Hai thước đo có thành tích dự đoán tương đối chính xác trong quá khứ đang phát đi tín hiệu cảnh báo về TTCK Mỹ.
Thứ nhất: Hệ số CAPE
Trong số các chỉ báo có thể báo trước những rắc rối tiềm tàng của chứng khoán Mỹ, The Motley Fool cho rằng không có công cụ nào đáng lo ngại hơn hệ số P/E đã điều chỉnh cho chu kỳ của nền kinh tế (tức hệ số CAPE).
Công cụ định giá cơ bản nhất là hệ số P/E. Thước đo này hoạt động tốt đối với các doanh nghiệp đã được thử thách qua thời gian nhưng có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những cú sốc kinh tế và cổ phiếu tăng trưởng.
Trong khi đó, hệ số CAPE được tính bằng cách dùng EPS thực tế (thước đo đã điều chỉnh cho lạm phát) trong 10 năm gần nhất, qua đó loại bỏ được những biến động của chu kỳ kinh tế.
Tại ngày 26/12/2024, hệ số CAPE của chỉ số S&P 500 đạt khoảng 38,08 - gần mức cao nhất trong một năm là gần 39. Con số này cao hơn gấp đôi mức trung bình trong 154 năm qua là 17,19 và là mức cao thứ ba trong một thị trường giá lên liên tục kể từ tháng 1/1871.
Điểm thú vị là chỉ có 6 lần hệ số CAPE vượt quá mốc 30 trong một đợt tăng giá của thị trường giá lên trong 154 năm qua. Cả 5 lần trước đó đều chứng kiến Dow Jones, S&P 500 và/hoặc Nasdaq Composite mất từ 20% đến 89% giá trị.
Mặc dù hệ số CAPE không cho nhà đầu tư biết thời điểm thị trường sẽ lao dốc, nó lại có thành tích vượt trội trong việc dự báo các đợt giảm sâu. Nói cách khác, kết quả hiện nay cho thấy nhà đầu tư không thể chấp mức định giá cổ phiếu quá cao trong thời gian dài.
Thứ hai: Cung tiền của Mỹ
Hệ số CAPE không phải là thước đo duy nhất có thành tích tốt trong dự báo các đợt lao dốc của thị trường chứng khoán. Một diễn biến chưa từng xảy ra trong 90 năm qua đối với cung tiền của Mỹ cũng là một cảnh báo đáng ngại.
Các nhà phân tích có nhiều đại lượng khác nhau về cung tiền, nhưng hai thước đo đáng tin cậy nhất là M1 và M2. Và cung tiền M2 (bao gồm M1 cùng các tài khoản tiết kiệm, tài khoản thị trường tiền tệ và chứng chỉ tiền gửi dưới 100.000 USD) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Vào tháng 4/2022, cung tiền M2 đạt đỉnh 21.723 tỷ USD. Tính đến tháng 10/2024, cung tiền M2 đã sụt khoảng 412 tỷ USD xuống còn 21.311 tỷ USD, tương đương mức giảm 1,89%.
Tuy nhiên, trên cơ sở từ đỉnh xuống đáy, cung tiền M2 đã giảm đến 4,74% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2023. Đây là lần đầu tiên kể từ Đại Khủng hoảng cung tiền M2 giảm ít nhất 2% mỗi năm.
Cung tiền M2 thường tăng lên theo thời gian, đến mức các nhà kinh tế hiếm khi chú ý đến thước đo này. Một nền kinh tế đang tiếp tục phát triển cần nhiều vốn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh nên 90 năm qua chưa bao giờ cung tiền M2 giảm đáng kể.
Kể từ đầu năm 1870, Mỹ đã ghi nhận 5 trường hợp M2 giảm ít nhất 2% so với năm trước gồm 1878, 1893, 1921, 1931 - 1933 và 2023. Bốn lần trước đó có mối tương quan với các giai đoạn suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp hai chữ số.
Cung tiền M2 đã đảo ngược hướng đi và tăng trở lại kể từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, việc M2 giảm gần 2% so với mức cao nhất mọi thời đại báo hiệu rằng người tiêu dùng có khả năng sẽ giảm mua sắm tuỳ ý. Đây là một yếu tố có thể khiến nền kinh tế suy yếu và tác động đến Phố Wall trong năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường