TTC AgriS (SBT): Hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu cả năm chỉ trong 6 tháng đầu niên độ
CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS, mã SBT - sàn HOSE) - doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu với thị phần mảng mía đường chiếm hơn 46% thị phần Việt Nam - đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng nửa đầu niên độ 2022-2023.
Nhiều triển vọng tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ đà tăng của giá đường
Theo Báo cáo tài chính vừa công bố, kết thúc quý II niên độ 2022-2023, TTC AgriS đã tiêu thụ hơn 683 ngàn tấn đường, doanh thu thuần lũy kế đạt 12.281 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, hoàn thành 72% kế hoạch năm.
Sản lượng tiêu thụ của các kênh bán hàng ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, trong đó, kênh xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng bán hàng tăng hơn 70%, kênh công nghiệp B2B tăng 26% so với cùng kỳ. Đây là một dấu hiệu khởi sắc cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường được cải thiện đáng kể trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu niên độ đạt hơn 432 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 384 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, đường đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu khi các dòng sản phẩm đường ghi nhận 11.400 tỷ đồng, chiếm gần 93% doanh thu, tăng hơn 28,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh sản phẩm đường, doanh thu phân bón ghi nhận gần 123 tỷ đồng, chiếm 1%, tăng 150% so với cùng kỳ; doanh thu mật rỉ ghi nhận 113 tỷ đồng, chiếm 0,9% tăng hơn 14% so với cùng kỳ và doanh thu điện ghi nhận 62 tỷ đồng, chiếm 0,5%, tăng hơn 19% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, doanh thu khác cũng là một điểm nhấn ghi nhận gần 584 tỷ đồng, chiếm 4,8% doanh thu, tăng 154% so với cùng kỳ, doanh thu này đến từ hoạt động bán máy móc cơ giới và các sản phẩm nông nghiệp khác như: dừa, chuối, gạo, cao su…, sự dịch chuyển trong cơ cấu doanh thu này đã chứng minh cho việc TTC AgriS đang đi đúng lộ trình hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện, trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu khu vực, vận hành và phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ liền mạch, tối đa hóa lợi nhuận.
Quy mô của TTC AgriS cũng được mở rộng với tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2022 đạt 29.202 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD), tăng nhẹ 5% so với đầu niên độ.
Dự báo xu hướng thị trường còn nhiều biến động, nhưng với nền tảng quản trị thông tin tốt, TTC AgriS đã sớm dự báo được trước sức ảnh hưởng của các biến động và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ đó chủ động tính toán đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh một cách phù hợp.
Theo đó, TTC AgriS đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh trọng yếu đã xây dựng. Công ty đặt chỉ tiêu doanh thu kế hoạch ở mức 17.017 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, giữ mức ổn định so với cùng kỳ; tiếp tục tái cấu trúc nguồn vốn, tăng tài sản, giảm nợ và đặc biệt chú trọng kế hoạch huy động 20% vốn phần từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Có thể nói, tính tới thời điểm hiện tại, TTC AgriS đã dự báo chính xác các biến động bên ngoài, xác định các mấu chốt quản lý để kịp thời, nhanh chóng đưa ra các phương án tối ưu nguồn lực từ quy trình chi phí đến việc sắp xếp lại bộ máy hoạt động, chủ động xây dựng hệ thống công nghệ cao, ứng dụng vào toàn diện chuỗi giá trị.
Từ đó dễ dàng thích nghi với bối cảnh mới, tối ưu chuỗi cung ứng thông qua các chính sách hoạch định tài nguyên, gia tăng doanh thu từng mảng kinh doanh ở từng quốc gia. Khẳng định vị thế công ty nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững và hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Giá đường thế giới liên tục tăng, chính thức chạm đỉnh cao nhất trong 11 năm
Giá đường thế giới hiện đang ở đỉnh cao nhất trong 11 năm, tăng vọt do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng 6 tháng đầu năm 2023, giá đường toàn cầu sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ cùng với sản xuất đường ở châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi (hạn hán).
Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao có thể sẽ thúc đẩy quốc gia có sản lượng đường lớn nhất thế giới này chuyển hướng từ trồng mía sang sản xuất ethanol. Trong khi đó, Brazil, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới có định hướng chuyển sang sản xuất ethanol, còn nguồn cung tại một số nước khác như Thái Lan, Pakistan được đánh giá là “mờ nhạt”
Cổ phiếu mía đường sẽ “ngọt ngào”
Mía đường là ngành mang tính chu kỳ mạnh và kết quả kinh doanh của ngành này lên xuống theo giá đường trên thị trường. Hiện giá bán đường tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ đã thúc đẩy đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành mía đường, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước sẽ tận dụng xu hướng tăng giá để cải thiện biên lợi nhuận. Trong năm 2023, dự báo giá đường sẽ còn tiếp tục tăng và cổ phiếu nhóm ngành này sẽ còn tiếp tục hưởng lợi.
Bên cạnh đó, VNDirect kỳ vọng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn so với năm 2022, dẫn đến lượng đường nhập khẩu giảm trong khi tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ năm 2022 đang giảm dần.
Theo nhận định của VCBS, giá thu mua mía từ nhà máy cũng hồi phục tốt về mức trung bình 1.050.000 – 1.100.000 triệu đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung. Đây là tiền đề thúc đẩy người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu trong các năm tới.
TTC AgriS hiện đang sở hữu quy mô vùng mía nguyên liệu lớn nhất sẽ có vị thế tốt để nắm bắt cơ hội nhu cầu đường trong nước tăng trước bối cảnh nguồn cung nhập khẩu hạn chế.
Đồng thời, Công ty không ngừng đầu tư vào nghiên cứu để tối ưu hóa giá trị cây mía, tạo ra các sản phẩm cạnh đường và sau đường; đầu tư và mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ, sản xuất dòng sản phẩm organic với quy trình sản xuất đường organic đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu… nhằm khai phá các tiềm năng tăng trưởng và bứt phá trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận