TS. Võ Trí Thành: Xử lý rủi ro tài chính gắn liền với chữ "khéo"
Rủi ro đang gia tăng đối với nền kinh tế, nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong chừng mực mà Việt Nam có thể quản trị.
Triển vọng và Thách thức
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết, các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại, nhiều điểm sáng đã xuất hiện như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, các cân đối lớn được bảo đảm.
Vì vậy, theo Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 của Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của các Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và các chủ trương, chính sách lớn đã được thông qua trong năm 2021.
Tuy nhiên, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ vẫn đứng trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, cộng thêm sự biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraina và xung đột chính trị giữa các cường quốc…
Từ đó, có thể dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng năng lượng hiện hữu, giá nguyên liệu và giá nhiều loại hàng hóa cơ bản tăng cao càng làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo phát triển không đồng đều, chưa vững chắc và có thể thấp hơn năm 2021.
Song, nhìn vào thực trạng của Việt Nam, nền kinh tế cũng đang tồn tại và tiềm ẩn khá nhiều khó khăn, đặc biệt là những câu chuyện về tài chính.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho biết: “Nếu nói về nội tại của nền kinh tế, sẽ có những vấn đề về luật pháp, hệ thống ngân hàng, bao gồm: nợ xấu, khả năng lành mạnh và ứng phó”.
Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều vụ “lùm xùm” về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam gồm cả tổ chức lẫn cá nhân. “Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Vì vậy, trong dài hạn, cần cân đối giữa khả năng chống chịu, ổn định kinh tế vĩ mô với tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển của kinh tế nói chung. Về ngắn hạn, làm sao xử lý được rủi ro đang hiện hữu với những “lùm xùm" vừa qua nhưng vẫn để thị trường này vận hành và phát huy tiềm năng.
Rủi ro nằm trong tầm kiểm soát
Cá nhân TS. Thành cho rằng: "Rủi ro đang gia tăng đối với nền kinh tế, trong đó có vấn đề nợ xấu, nhưng những rủi ro này vẫn hoàn toàn nằm trong chừng mực mà chúng ta có thể quản trị".
Giải thích về điều này, ông cho biết, thời điểm hiện tại là một giai đoạn khác so với những cuộc khủng hoảng tài chính trước đây bởi hệ thống ngân hàng đã có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Bên cạnh đó, về cân đối vĩ mô, so với giai đoạn 2010-2011 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, gặp muôn vàn khó khăn từ thâm hụt ngân sách, tỉ lệ nợ công, dự trữ ngoại hối. “Hiện tại, vẫn còn những vấn đề nhất định nhưng đã tốt hơn rất nhiều”, ông chia sẻ.
Song, kinh nghiệm của những nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam đã khá hơn và linh hoạt hơn sau những cú vấp được coi như “bài học xương máu" từ năm 97-98, hay câu chuyện kích cầu năm 2009-2010.
Từ đó, ông đưa ra ý kiến xây dựng về hai nhóm giải pháp quan trọng.
Về mặt dài hạn, câu chuyện xử lý nợ xấu phải gắn với các ngân hàng thương mại. Về điều này, cần được xử lý trên hai phương diện: tăng vốn trong năm nay và cả những năm tới; đảm bảo thông lệ tốt nhất theo tiêu chuẩn.
Về ngắn hạn, cụm từ “linh hoạt" là luôn đúng. Ông nhấn mạnh về tính linh hoạt trong tăng thu tiền, tín dụng, làm sao cần xác định tinh thần không quá chặt chẽ, cũng không nới lỏng trong giai đoạn phục hồi. Và cần đánh giá rủi ro tiềm tàng của những dòng tín dụng như chứng khoán, bất động sản…
Đặc biệt, đối với bất động sản, phân khúc thì có nhiều nhưng trong thời gian vừa qua đang bị đánh đồng về mức độ rủi ro. Nếu xét về hệ số “kéo", đây là ngành giúp tăng trưởng rất tốt. Vậy nên, hoạt động khoanh, giãn các nhóm nợ từ nay tới cuối năm cần được thực hiện rất “khéo".
“Điều này lại phụ thuộc vào quá trình phục hồi và cách thực thi của Chương trình phục hồi và phát triển”, chuyên gia cho biết.
Nhóm khác, phát triển thị trường cổ phiếu. Điều quan trọng nhất để đảm bảo tính lành mạnh là tính minh bạch, các thông lệ và chuẩn mực, ngoài tính hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần cải thiện thêm về tính chuyên nghiệp của những nhà đầu tư từ cá nhân tới tổ chức trên thị trường này.
Ngày 25/4, Ban Kinh Tế Trung ương, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2021 và Triển vọng năm 2022 với chủ đề: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19” với sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận