TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu nhưng chậm lớn
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, nhưng chậm lớn, cần có chính sách khơi thông để họ "sống động trở lại".
Đây là một trong những nghịch lý của nền kinh tế cần khơi thông, được PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nêu tại phiên thảo luận "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực và hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, sáng 19/9.
Theo ông Thiên, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt so với bối cảnh chung thế giới nhưng đứng trước nhiều thách thức. Một trong số đó là động lực tăng trưởng suy giảm liên tục, kéo dài. Ông tính toán cứ sau 10 năm, tăng trưởng GDP lại giảm gần 1% về tốc độ bình quân so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt là lực lượng giỏi chống chịu, nhưng chậm lớn bởi nhiều lý do. Một trong số đó là họ phải trả giá vốn (lãi suất) cao trong hàng chục năm, thường gấp 2-3 lần các nước.
Nghịch lý nữa được các chuyên gia nêu, là nền kinh tế thừa tiền nhưng doanh nghiệp khát vốn, kiệt sức. Ba năm sau Covid-19, năng lực về vốn cạn kiệt, ngân hàng khó cho vay trong khi người muốn lại không được vay. Tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,5% tính tới hết tháng 8, chưa đạt một nửa mục tiêu năm nay (14%).
Phản hồi trước thông tin tiếp cận vốn khó khăn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua, trước những tác động của kinh tế thế giới. Trong đó, điều hành lãi suất là khó nhất trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ hiện nay. Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý tiền tệ đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo dư địa và thanh khoản cho thị trường.
"Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp", ông Tú nói. Theo Phó thống đốc, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì quan điểm điều hành này, tức cần tìm điểm cân bằng giữa lãi suất, tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý.
Rào cản nữa khiến doanh nghiệp Việt chậm lớn, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là khó khăn về chất lượng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Doanh nghiệp cũng gặp khó khi chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh.
Thực tế này được minh chứng qua số liệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm lên tới 15.600 đơn vị. Vốn đăng ký của số lập mới và tái gia nhập thị trường cũng giảm gần 20% so với cùng kỳ 2002. Điều này phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập.
"Khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhưng đang bị suy yếu, rất đáng quan ngại", ông Thiên nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, cần giải pháp mạnh mẽ hơn để khơi thông nguồn lực nền kinh tế. Chia sẻ bên lề diễn đàn, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế góp ý, cần tạo ra môi trường kinh doanh, pháp lý để cả bộ máy hành chính, doanh nghiệp có niềm tin rằng họ làm đúng. Cùng đó, theo ông, vai trò của doanh nghiệp trong nước cũng cần được coi trọng hơn, bên cạnh đóng góp từ nguồn lực khu vực đầu tư nước ngoài.
Còn nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nêu ba điều kiện đảm bảo lưu thông nền kinh tế, là thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế́ và thông minh vận hành.
"Việt Nam cần chủ động chuyển nhanh sang kinh tế số, tăng trưởng xanh; thử nghiệm đặt hàng các tập đoàn kinh tế Việt Nam xây dựng đường sắt tốc độ cao hay metro nối sân bay Long Thành với TP HCM để khơi thông nguồn lực trong nước", ông chốt lại.
GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân thì đề nghị nhà chức trách giảm tối đa thủ tục hành chính, thủ tục tiếp cận hỗ trợ và đưa ra giải pháp đặc thù cho từng nhóm đối tượng, lĩnh vực có tính lan tỏa cao để tối đa hóa nguồn lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận