menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Hà My

TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị dùng một phần quỹ dự trữ ngoại hối để kích thích nền kinh tế

"Chúng tôi rất mong doanh nghiệp Việt Nam, kể cả kinh tế hộ gia đình có được sự hỗ trợ của Chính phủ mạnh mẽ và hiệu quả như các nước khác đã làm (Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á).

Theo đó, chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ 107 tỷ USD cũng có thể tạo ra nguồn lực rất lớn” - TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh chia sẻ tại giao lưu trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 11/10.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội về xây dựng gói giảm lãi suất quy mô hơn 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, nên được thảo luận một cách nghiêm túc.

Các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho DN, người lao động. Như Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho DN và người dân 5.800 tỷ USD, GDP của Mỹ khoảng 20.000 tỷ, như vậy chiếm hơn 27% GDP. Thậm chí, Nhật Bản còn hỗ trợ mạnh hơn, 3.400 tỷ USD trên 5.000 tỷ USD GDP, chiếm trên 60% GDP. Họ hỗ trợ người lao động được hưởng lương và cho những DN lớn vay, tức là những DN cần phục hồi vay. Hay châu Âu dùng gói 6.000 tỷ USD/15.000 tỷ GDP, chiếm 60% GDP. Mục tiêu số 1 của họ là DN phải giữ lại lao động bằng mọi giá, làm việc luân chuyển hay thậm chí nghỉ việc vẫn được hưởng lương.

“Điều đó cho thấy phải hà hơi tiếp sức ngay để có sức bật. Không có vốn, không có lao động rất khó bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, TS Lê Xuân Nghĩa nói. Ở Việt Nam, ông Lê Xuân Nghĩa tính toán mới hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ, khoảng hơn 1 tỷ USD, chiếm mấy phần trăm GDP, và cho rằng quy mô như vậy là nhỏ và chưa đủ để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét.

Song, ở nước ngoài họ hỗ trợ lấy tiền từ đâu? Theo ông, không chính phủ nào có tiền dư thừa nhiều như vậy, họ đều phải vay để tài trợ DN, vay từ dân, vay từ ngân hàng trung ương (thông qua trái phiếu chính phủ) dưới những cách gọi khác nhau, như “Ngân hàng trung ương mua tài sản”, “Mở rộng bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương” hoặc “Nới lỏng định lượng”… Ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định, tất cả các nước đều dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ DN. Họ gần như không dám sử dụng hệ thống ngân hàng thương mại vào việc này. Chưa có nước nào tài trợ qua ngân hàng.

Tại Việt Nam, nợ xấu là bệnh nền của nền kinh tế ngay cả khi chưa có dịch Covid-19. Nay khi có dịch bệnh, nợ xấu đã trở thành vấn đề lớn. Chúng ta lo ngại khoanh nợ giãn nợ sẽ gây khó khăn cho ngân hàng thế nào? Ngân hàng thương mại thực chất cũng là một DN, kinh doanh bằng tiền và lòng tin của người gửi tiền. Sự an toàn của các ngân hàng thương mại chính là để ổn định lòng tin của dân chúng, ổn định toàn bộ kinh tế vĩ mô và uy tín quốc tế của một quốc gia.

“Vay dài hạn, vốn lưu động… cũng rất dễ trở thành nợ xấu nếu DN khó khăn. Tôi nghĩ phần lớn những DN của ta hiện nay đang rất khó khăn nợ xấu, không có tài sản đảm bảo”- ông Nghĩa nói. Và nếu áp dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng thì rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được, vì các điều kiện lần lượt là doanh nghiệp không có nợ xấu, phải có doanh thu, lợi nhuận và có tài sản đảm bảo.

Vị chuyên gia cũng cho biết có một lượng tiền dự trữ ngoại tệ do Ngân hàng Trung ương quản lý, khoảng 107 tỷ USD, từ trước đến nay chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt. “Chống dịch như chống giặc. Giờ giặc đến nhà “vào tận gầm giường rồi” mà không bỏ ra. Chúng ta chưa có chính sách đặc biệt. Có tiền nhưng không bỏ ra. Chúng ta phải tin DN và lấy họ là nền tảng để phục hồi, ngay cả phục hồi lao động cũng phải từ DN” - ông Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.

Từ những phân tích trên TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, với Việt Nam không cần phát hành trái phiếu chỉ cần hoán đổi một phần quỹ ngoại tệ là nguồn lực rất lớn. “Từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm năm 2009, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ DN thời điểm này” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng ở thời điểm hiện tại, năng lực thể chế và năng lực của ngân hàng trung ương khác trước rất nhiều. Quốc hội, Chính phủ cũng hiểu rõ về các vấn đề kinh tế vĩ mô và những bài học để đời đã thấm thía, là nền tảng quan trọng để thực hiện gói này.

Về phía DN, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, bây giờ chúng ta đang bắt đầu mở cửa, DN cần tái cấu trúc. Thứ nhất, DN phải tính phục hồi nhanh, tìm thị trường, lao động. DN phải có kế hoạch thị trường. Tái cấu trúc là DN xem mình đang kinh doanh cái gì, ngành nào bỏ, ngành nào giữ, cái gì yếu bỏ, cái gì mạnh nhân đối lên; tái cấu trúc nhân sự, thu hút, đào tạo lao động, số hóa… Thứ hai, DN cần xây dựng gói tài chính, trong đó xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể, kế hoạch về thuế, nợ và phải gửi các cơ quan chức năng xem xét. "Phải có phương án giãn, hoãn nợ cho DN chứ không chỉ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến 30/6/2022 như hiện nay" - ông Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại