Trương Mỹ Lan muốn thuyết phục cổ đông nước ngoài ủy quyền cổ phần cho NHNN
Ngày 13/3, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP. HCM, xét xử sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, Trương Mỹ Lan đã bày tỏ mong muốn dùng tài sản khắc phục thiệt hại.
Bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại tòa TP. HCM ngày 13/3 (ảnh BTC)
Khắc phục hậu quả vụ án
Bị cáo Trương Mỹ Lan thông tin, con gái của bị cáo đã thỏa thuận bán tòa nhà ở Hà Nội để khắc phục hậu quả cho bị cáo trong vụ án.
Về số cổ phần của bị cáo Lan và bạn bè tại SCB, bị cáo Lan trình bày sẽ ủy quyền số cổ phần của bị cáo, đồng thời có thể trao đổi với bạn bè của bị cáo để ủy quyền toàn bộ số cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bị cáo.
Cụ thể hơn, nếu được Hội đồng Xét xử hỗ trợ, bị cáo có thể liên hệ với các cổ đông nước ngoài này không hủy ngang cổ phần tại SCB, từ đó có thể đảm bảo một phần nào thu hồi, khắc phục thiệt hại cho SCB.
Thông qua câu hỏi của các luật sư, các cựu lãnh đạo SCB cũng khai từ trước đến nay, họ không làm việc với các cổ đông nước ngoài mà do Trương Mỹ Lan thực hiện.
Theo cáo trạng, tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp. Trong số 27 pháp nhân này, có 5 pháp nhân là cổ đông nước ngoài là: Noble Capital Group Limited (9,4%); Glory Capital Investment Limited (4,6%); Galaxy Capital Investment Development Limited (4,6%); Day Glory Development Limited (4,6%); Dragon Fund Investment Limited (4,6%).
Đối với 649 tài sản có nguồn gốc của bị cáo chưa được định giá tại SCB, Trương Mỹ Lan sẵn sàng dùng tài sản của mình để khắc phục hậu quả cho SCB; đồng thời đề nghị các tài sản của bị cáo phải được định giá đúng giá thị trường.
Đưa tài sản vào để hợp thức hóa việc rút tiền của SCB
Về việc Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào trong quá trình tái cơ cấu SCB, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) cho biết, khi hợp nhất thì SCB đã ở dưới mức tiêu chuẩn nên nếu không có nguồn lực thật sự mạnh thì sẽ không làm được.
Bị cáo Văn cho rằng, Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào SCB để hoán chuyển khoản vay trước đây không có tài sản đảm bảo trở thành những khoản vay mới có tài sản đảm bảo.
Tương tự, bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn (cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB) cũng khai, tái cơ cấu các khoản nợ vay tại SCB thực chất là do tình hình nợ xấu tăng cao, tài sản thế chấp giá trị thấp, pháp lý lỏng lẻo nên chủ trương chính là đưa các tài sản có giá trị pháp lý bảo đảm, gia hạn các khoản nợ.
Còn bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) thừa nhận bản thân có biết việc bị cáo Lan đưa tài sản vào ngân hàng. Trong đó, giai đoạn bắt đầu từ năm 2012, bà Lan có đưa một số tài sản như: Tòa nhà Saigon Times Square, Chợ Vải, khách sạn Windsor vào tái cơ cấu để làm phương án vay mới và là nguồn tiền để trả nợ cho các khoản vay cũ. Còn giai đoạn từ năm 2021 đến nay, bị cáo không thấy Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào để tái cơ cấu SCB.
Tuy nhiên, khác với nhận định của các bị cáo về việc đưa tài sản vào ngân hàng để tái cơ cấu SCB, cáo trạng xác định: việc Trương Mỹ Lan và đồng phạm đưa tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại SCB thực chất là phương thức, thủ đoạn phạm tội, hợp thức hóa việc rút tiền của SCB.
Cũng vì lý do giúp tái cơ cấu SCB, bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square) thừa nhận mình đã ký 2 văn bản cho phép bà Trương Mỹ Lan sử dụng tài sản của Công ty Times Square. Bị cáo nói mình làm theo đề nghị của bà Lan với suy nghĩ giúp ngân hàng và hoàn toàn không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản hay khoản vay tại SCB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường