24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Đình Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trước thách thức kinh tế chưa từng có, Trung Quốc kêu gọi công chức "thắt lưng buộc bụng"

Đứng trước những thách thức kinh tế chưa từng có do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi công chức nước này 'thắt lưng buộ

Giống như hàng triệu công chức Trung Quốc khác, đối với anh Timothy Tian, nhân viên Nhà nước đang công tác tại tỉnh Chiết Giang, dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ là một cái Tết khó khăn và khắc nghiệt nhất trong vòng 1 thập kỷ khi đội ngũ công chức nước này sẽ buộc phải "thắt lưng buộc bụng" do thu nhập bị sụt giảm.

Anh Tian cho biết, ngay cả khi các hạn chế để chống dịch Covid-19 được nới lỏng, anh cũng không thể đủ tiền đi du lịch sau khi lương hàng tháng đã bị cắt giảm tới 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 315 USD) xuống còn 5.000 Nhân dân tệ.

“Tổng tiền lương bị cắt giảm là khoảng 25% và tôi không dám mong đợi nhiều về khoản tiền thưởng cuối năm trong bối cảnh này”, anh Tian buồn bã chia sẻ, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi từ Chính phủ yêu cầu công chức cần phải "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa.

Mức lương hàng tháng của anh Tian sẽ bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng hiệu suất...nhưng hiện giờ phần thu nhập này đã bị cắt giảm.

Mạnh tay cắt giảm

Lời kêu gọi đã gây không ít phản ứng trên mạng xã hội Trung Quốc khi nhiều người than phiền phải vật lộn để kiếm sống sau khi bị cắt giảm lương, phụ cấp.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố, việc "thắt lưng buộc bụng" là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đồng thời, lưu ý rằng kể từ năm 2016, Trung Quốc đã giảm thuế và phí tới 8.600 tỷ Nhân dân tệ (gần 1.400 tỷ USD) và chính sách này sẽ tiếp tục được Chính phủ thúc đẩy để mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp và tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ, tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc có khoảng 7,1 triệu công chức.

Trong bối cảnh thị trường việc làm cạnh tranh ngày càng gay gắt, trở thành công chức Nhà nước từng là niềm mơ ước của nhiều người với vị trí công việc ổn định, thu nhập tốt.

Ngay cả các công chức ở một số địa phương có nền kinh tế sôi động và phát triển bậc nhất Trung quốc như Thượng Hải hay khu vực bờ biển phía Đông, phía Nam đất nước, cũng cảm thấy khó khăn.

Một công chức đang công tác tại chính quyền tỉnh Quảng Đông cho hay, thời gian qua, anh và nhiều đồng nghiệp cũng bị cắt giảm đáng kể tiền lương.

"Đúng là chúng tôi đang thực hiện chính sách 'thắt lưng buộc bụng'. Theo những gì tôi được biết, nhiều người còn bị cắt giảm từ 20-30% lương, chủ yếu áp dụng đối với các khoản trợ cấp ngoài lương như trợ cấp nhà ở. Tiền lương của công chức có thể khác nhau giữa các thành phố trong tỉnh", một công chức giấu tên đang làm việc tại chính quyền tỉnh Quảng Đông tiết lộ.

Trên thực tế, mức lương cơ bản của đội ngũ công chức Trung Quốc khá thấp. Ngay cả các quan chức cao nhất làm việc ở cấp bộ cũng chỉ nhận được chưa đến 9.000 Nhân dân tệ (khoảng 1.440 USD) một tháng. Trong khi các quan chức cấp cơ sở - “xương sống” của đội ngũ cán bộ hành chính - nhận khoảng 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 18 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, ngoài lương cơ bản, tổng thu nhập của các công chức đã dần được nâng lên đáng kể nhờ có thêm các khoản trợ cấp về nhà ở, giao thông, giáo dục, viễn thông, chăm sóc trẻ em, y tế... và khoản tiền thưởng cuối năm ít khi được công khai tiết lộ.

Và đợt cắt giảm lần này chủ yếu là giảm trợ cấp và các khoản tiền thưởng. Một số nơi còn yêu cầu công chức hoàn trả lại các khoản tiền thưởng đã được nhận.

Tháng Sáu năm ngoái, chính quyền một thành phố ở tỉnh Giang Tây đã yêu cầu công nhân trong văn phòng tài nguyên nước của thành phố trả lại tiền thưởng, trong khi thành phố Dexing lân cận cũng kêu gọi các giáo viên gửi lại một nửa số tiền nhận hàng năm của họ.

Theo ông Alfred Wu, Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, động lực chính đằng sau chính sách “thắt lưng buộc bụng” là tình hình tài chính của nhiều địa phương ngày càng tồi tệ. Các khu vực này đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 và sụt giảm doanh thu do thị trường nhà ở phát triển chậm.

“Thu nhập thực tế của công chức Trung Quốc không dựa chủ yếu trên hiệu suất và trách nhiệm của mỗi người, phần lớn chỉ để xác định mức lương cơ bản. Mức thu nhập của họ sẽ liên quan mật thiết đến tình hình tài chính của đơn vị và khu vực nơi họ đang công tác. Nhiều địa phương Trung Quốc đang rơi vào tình trạng 'báo động đỏ' về ngân sách nên họ sẽ phải cắt bớt tiền trợ cấp cho công chức", ông Wu lý giải.

Mới đây, trong thông điệp kêu gọi công chức tăng cường tiết kiệm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang đứng trước những thách thức kinh tế “chưa từng có” do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời yêu cầu chính phủ các cấp nên cắt giảm chi tiêu và giảm một nửa chi tiêu “không cấp thiết và không thiết yếu”.

Địa phương khủng hoảng ngân sách

Mặc dù Chính phủ đã cam kết sẽ hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các chính quyền địa phương nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt ngân sách, nhưng trong 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến tháng 11/2021, chỉ duy nhất có thành phố Thượng Hải đạt thặng dư ngân sách tính, theo một báo cáo tài chính của địa phương.

Có tới 18 tỉnh, chủ yếu ở miền Tây, miền Bắc và miền Trung Trung Quốc, ghi nhận mức thâm hụt ngân sách, trong đó Tây Tạng dẫn đầu bảng với mức thâm hụt lên tới 177,6 tỷ Nhân dân tệ, gấp bảy lần con số thu ngân sách.

Trong một bài báo được xuất bản vào tháng trước, Lin Caiyi, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) ước tính, các khoản nợ của chính quyền địa phương dao động ở mức 30 nghìn tỷ Nhân dân tệ tính đến tháng 10/2021, trung bình hơn 21.000 Nhân dân tệ/người.

Trước thách thức kinh tế chưa từng có, Trung Quốc kêu gọi công chức "thắt lưng buộc bụng"
Dù bị cắt giảm nhưng vị trí công chức tại các cơ quan công quyền vẫn luôn hấp dẫn các sinh viên mới tốt nghiệp Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Chính sách đóng cửa nghiêm ngặt Zero Covid-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh tế của nhiều tỉnh và thành phố. Chưa kể, các địa phương còn phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua một lượng lớn các bộ xét nghiệm để tiến hành nhiều đợt kiểm tra toàn diện cho người dân, chi phí vaccine, PPE...

Một quan chức y tế ở tỉnh Cam Túc phía Tây Bắc cũng đã xác nhận điều này. Ông cho biết tỉnh này đã chi “hàng chục triệu Nhân dân tệ” cho các bộ dụng cụ xét nghiệm và các thiết bị y tế cần thiết khác để ngăn chặn dịch bùng phát vào tháng 10 và nhiều bệnh viện nợ các nhà cung cấp hàng triệu Nhân dân tệ.

Đáng chú ý là bất chấp việc cắt giảm lương, trở thành công chức Nhà nước vẫn là mục tiêu và lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu của các sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là trong hai năm qua khi thị trường việc làm Trung Quốc ngày càng biến động giữa bối cảnh kinh tế suy thoái và các quy định bị thắt chặt.

“Ngày càng có nhiều lao động trẻ Trung Quốc từ bỏ công việc trong khu vực tư nhân, đặc biệt là những người trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ từng rất được săn đón. Họ thích một công việc ổn định hơn trong khu vực công, nơi vẫn còn nhiều hỗ trợ bao gồm giáo dục cho con cái, trợ cấp y tế, và quan trọng nhất là địa vị xã hội và mối quan hệ đi kèm với công việc", chuyên gia Alfred Wu phân tích.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả