24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc xem xét gia nhập CPTPP: Mỹ sẽ sớm quay lại

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Mỹ quay lại CPTPP là điều tất yếu, động thái của Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình này diễn ra sớm hơn.

Hôm 4/2, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang tích cực tiến hành nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời khẳng định Trung Quốc sẵn sàng xem xét gia nhập CPTPP để thúc đẩy toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực.

Động thái của Trung Quốc đặt câu hỏi về việc Mỹ có quay trở lại CPTPP khi vai trò của Mỹ ở châu Á bị đe dọa?

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết và tuyên bố xem xét gia nhập CPTPP của Trung Quốc có thể sẽ khiến Mỹ sớm quay lại CPTPP.

Tiền thân của CPTPP là TPP, do các quốc gia khác nhau thiết kế nên, sau đó Mỹ nhìn thấy lợi ích cũng nhảy vào và trở thành một trong những người chơi chính trong việc soạn thảo hiệp định này. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện chính sách Nước Mỹ trên hết, rút nước Mỹ ra khỏi TPP, việc ký Mỹ kết hiệp định này bị ngưng lại.

Theo ông Thịnh, nếu đứng ngoài CPTPP, Mỹ vẫn là nước mạnh nhưng không thể tận dụng được lợi thế ưu đãi mà CPTPP dành cho các thành viên.

Cho nên, sức mạnh của Mỹ sẽ bị giảm đi, mặc dù Tổng thống Trump khi còn đương nhiệm đã tuyên bố hiệp định TPP với những ưu đãi dành cho các nước sẽ làm suy yếu kinh tế Mỹ.

"Về lâu dài, nếu nước Mỹ cứ tự cô lập mình có thể sẽ bị các nước bỏ rơi về KHCN, năng suất lao động và vốn, từ đó khiến Mỹ dần đánh mất lợi thế của mình.

Chính vì thế, quay lại CPTPP là điều cần thiết và tất yếu cho Mỹ. Tổng thống Joe Biden đang phần nào đi theo chiều hướng của Tổng thống Obama trước đây và đảng Dân chủ nói chung - đó là quay lại quá trình toàn cầu hóa, tiếp tục mở rộng hội nhập quốc tế để phát huy thế mạnh và vai trò của nước Mỹ. Ông cũng sẽ tận dụng những lợi thế có được từ thời Tổng thống Donald Trump, và phát huy chính sách Nước Mỹ trên hết", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định và nói thêm rằng, cần hiểu lại cho đúng về chính sách Nước Mỹ trên hết.

Chính sách này không phải thời Tổng thống Trump mới có mà ở nhiệm kỳ tổng thống nào của nước Mỹ cũng ưu tiên quyền lợi của nước Mỹ trên hết. Ngay cả đảng Dân chủ, Cộng hòa dù đấu đá nhau nhưng quyền lợi của nước Mỹ vẫn trên hết.

Cho nên, vị chuyên gia tin rằng, Tổng thống Biden sẽ tận dụng lợi thế mà ông Trump đã tạo ra một cách riết róng hơn. Cũng là Nước Mỹ trên hết, nhưng đồng thời nước Mỹ sẽ quay trở lại con đường toàn cầu hóa dưới một dạng mới. Mỹ sẽ vẫn hợp tác và hội nhập nhưng là hợp tác, hội nhập với các nước đồng minh và các nước khác, đồng thời có kiềm chế đối với một số quốc gia mà Mỹ xem là đang cạnh tranh vị thế của mình và có thể phương hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển của kinh tế Mỹ, mà trường hợp Trung Quốc là một ví dụ.

"Mỹ bị sức ép sớm phải quay lại CPTPP và điều họ tính toán là tham gia vào lúc nào, làm sao giữ được vị thế của Mỹ, phát huy được vai trò của Mỹ trong cuộc chơi, nhất là khi Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành một thành viên của CPTPP", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Theo vị chuyên gia, những điểm chính của CPTPP vẫn tuân thủ theo TPP trước đây do các quốc gia, trong đó có Mỹ thiết kế. Trung Quốc nếu tham gia cũng chỉ là người đến sau và chỉ là người chơi bình thường trên thị trường. Họ phải chấp hành quy định của CPTPP nếu tham gia, còn muốn sửa đổi thì phải được các quốc gia thành viên đồng ý. Tuy nhiên, có lẽ việc sửa đổi cũng không dễ dàng và phải được xem xét cẩn trọng vì CPTPP đã được quốc hội các nước phê duyệt, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi thế giới lo lắng về sự bành trướng về kinh tế, chính trị của Trung Quốc.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng tin rằng, nếu cả Mỹ và Trung Quốc cùng tham gia CPTPP, tình thế sẽ không thay đổi nhiều, chỉ có điều nó sẽ khiến cuộc chiến giữa Mỹ với Trung Quốc trầm lắng và đi vào chiều sâu hơn. Cả hai cường quốc vẫn phải tuân thủ theo các điều khoản của CPTPP, nhưng có thể người Mỹ sẽ có cài cắm thêm vào đó một số điều khoản liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vốn đã được nới lỏng hơn so với TPP ban đầu. Mỹ cũng có thể sẽ yêu cầu các điều khoản về chống thu thập bất hợp pháp thông tin kinh tế, chính trị, xã hội.

Cơ hội cho Việt Nam

Trước CPTPP, Việt Nam đã tham gia RCEP - với các thành viên chủ yếu là các nước trong khu vực Thái Bình Dương, như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Trung Quốc. Đây là hiệp định tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới đến thời điểm hiện nay.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi tham gia vào hiệp định này, Việt Nam và các nước khác trong ASEAN trở thành người chơi chính, chủ xướng.... mặc dù trước đây Trung Quốc là người đề xuất. Cũng bởi hiệp định do Việt Nam và các quốc gia khác trong ASEAN thiết lập nên vị thế của Việt Nam được nâng lên, tính chất cuộc chơi thay đổi, phải phù hợp và đáp ứng được nguyện vọng của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung thì mới ký kết.

"Dĩ nhiên, RCEP dựa trên những đề xuất ban đầu mà Trung Quốc và các nước khác, nhưng hiệp định đã được chúng ta thiết kế cho phù hợp hơn với Việt Nam và ASEAN.

Tham gia hiệp định này, bất kỳ doanh nghiệp nào của Việt Nam khi muốn tiếp cận với các nước thành viên cũng dễ dàng hơn nhiều, được hưởng ưu đãi thuế quan với trên 5.000 dòng thuế.

Đây là sự đảm bảo quốc tế để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc cũng như các quốc gia thành viên khác của RCEP một cách rộng rãi và sâu sắc. Đây là hiệp định mang tính quốc tế cao, buộc các nước phải chấp hành, và sẽ góp phần làm hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thông qua con đường chính ngạch được chuẩn hóa và thực hiện tốt nhất.

Đặc biệt, trong số các quốc gia thành viên có Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc là nước phát triển, lợi rất nhiều cho doanh nghiệp Việt trong tiếp cận thị trường, tiếp cận với nguồn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, công nghệ của họ, qua đó nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh", ông Thịnh đánh giá.

Từ RCEP đến CPTPP, vị chuyên gia nhấn mạnh, CPTPP có tính hiện đại và tính mở cao hơn RCEP, do đó nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều tham gia CPTPP thì đây chính là cơ hội để Việt Nam làm sâu sắc hơn mối quan hệ với hai cường quốc này, nhất là hợp tác về mặt KHCN, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thương mại...

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả