Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Dù sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, Việt Nam vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Jack Nguyễn, Giám đốc Điều hành InCorp Vietnam.
Việt Nam trước áp lực thuế quan từ Mỹ
Ngay khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khởi động chính sách thương mại cứng rắn, áp thuế cao hơn với các đối tác quan trọng như Canada, Mexico và Trung Quốc. Mới đây, vào tháng 2/2025, ông tiếp tục ký sắc lệnh nghiên cứu áp dụng chính sách thuế đối ứng (Reciprocal Tax Policy), yêu cầu Mỹ đánh thuế nhập khẩu hàng hóa từ các nước ở mức tương đương với mức thuế họ áp lên hàng Mỹ. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược “Nước Mỹ trên hết” (America First) của ông Trump.
Là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba vào Mỹ, sau Mexico và Trung Quốc, Việt Nam không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của chính sách này. Theo ông Sandeep Roy, Giám đốc Điều hành Cấp cao tại FiinGroup, trong kịch bản cơ sở, Mỹ có thể tăng thuế đối với hàng Việt Nam từ 2,2% lên 5,1%, khiến chi phí thuế tăng thêm 4 tỷ USD. Điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam do giá thành cao hơn.
Ngược lại, nếu Việt Nam hạ thuế nhập khẩu hàng Mỹ để xoa dịu căng thẳng thương mại, ngân sách có thể mất khoảng 0,53 tỷ USD. Dù theo hướng nào, xuất khẩu và tài chính công của Việt Nam đều chịu tác động không nhỏ.
Cơ hội giữa thách thức
Dù đối mặt với sức ép thuế quan, Việt Nam vẫn sở hữu những lợi thế đáng kể. Theo ông Roy, sự phân hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất mở rộng thị trường. Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu nâng cấp hạ tầng logistics và mở rộng sản xuất.
Đồng thời, xu hướng thu hút các ngành sản xuất có giá trị cao không chỉ giúp nâng tầm kỹ năng lao động mà còn tạo điều kiện phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu. Bên cạnh đó, nền kinh tế số cũng đang bùng nổ, với số người dùng Internet đạt 87 triệu vào năm 2024 và dự kiến vượt 100 triệu vào năm 2029. Điều này mang đến cơ hội lớn cho thương mại điện tử B2B, tiếp thị số và các doanh nghiệp logistics.
Việt Nam có thể trở thành “công xưởng mới” của thế giới?
Làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ theo hai hướng: các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài để né tránh rào cản thương mại, và các tập đoàn quốc tế tìm kiếm điểm đến thay thế.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng Giám đốc FiinGroup, Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng này khi trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, may mặc và phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế như môi trường chính trị ổn định, hệ thống hiệp định thương mại rộng khắp và chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung Quốc đã xây dựng hệ sinh thái sản xuất toàn diện trong hơn hai thập kỷ, từ R&D, thiết kế, quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối đến dịch vụ hậu mãi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn cần thời gian để mở rộng quy mô, nâng cấp hạ tầng và cải thiện năng lực công nghệ.
Để "Made in Vietnam" thực sự vươn tầm, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế sẵn có, đồng thời đầu tư vào công nghệ, mở rộng sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Chỉ khi đáp ứng những điều kiện này, Việt Nam mới có thể trở thành lựa chọn thay thế xứng đáng cho "Made in China" trên thị trường quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường