Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ sau hơn một thập kỷ
Trung Quốc sẽ lần đầu áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải sau 14 năm, cùng với chính sách tài khóa chủ động hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Xinhua, ngày 9/12, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải - đánh dấu lần nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên của nước này kể từ năm 2010. Đồng thời, các lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng cam kết áp dụng các biện pháp tài khóa chủ động hơn vào năm tới nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Các thông tin này được đưa ra trong báo cáo chính thức từ cuộc họp chính sách quan trọng xác định các ưu tiên kinh tế sắp tới.
Bộ Chính trị Trung Quốc gồm 24 thành viên, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ tập trung vào mở rộng nhu cầu nội địa và kích thích tiêu dùng, ổn định thị trường nhà ở và thị trường chứng khoán, đồng thời tăng cường “điều chỉnh phản chu kỳ phi truyền thống” - tức đưa ra các điều chỉnh ngược lại chu kỳ để giải quyết thách thức ngắn hạn.
Theo Xinhua, các nhà chức trách cần tuân thủ nguyên tắc “tiến bộ trong ổn định” trong năm 2025.
Những tuyên bố này được đưa ra trước thềm Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên dự kiến diễn ra ngày 11-12/12, nơi sẽ đề ra các mục tiêu và định hướng chính sách quan trọng cho năm sau của Bắc Kinh.
“Cách diễn đạt trong tuyên bố của cuộc họp Bộ Chính trị chưa từng có trước đây”, ông Zhaopeng Xing, chiến lược gia cấp cao tại Ngân hàng ANZ nhận định.
Ông Xing cho rằng thông báo trên là dấu hiệu về một kế hoạch kích thích tài chính mạnh mẽ, một đợt cắt giảm lãi suất lớn và mua vào tài sản năm tới. Giọng điệu chính sách này thể hiện sự tự tin mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc trước những lời đe dọa về khả năng áp thuế quan từ Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Sau thông tin từ cuộc họp, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh với chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,8% lên mức cao nhất 1 tháng. Trái phiếu chính phủ Trung Quốc cũng ghi nhận đà phục hồi tích cực.
Kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu ổn định trong những tháng gần đây sau khi chính quyền triển khai gói kích thích lớn từ cuối tháng 9. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã triển khai các biện pháp nới lỏng mạnh mẽ nhất kể từ sau đại dịch, bao gồm cắt giảm lãi suất và bơm 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD) vào hệ thống tài chính.
Mặc dù Trung Quốc có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5% năm nay, việc duy trì tốc độ này vào năm 2025 sẽ là thách thức lớn. Nguy cơ thuế quan từ Mỹ làm giảm triển vọng xuất khẩu, đồng thời gia tăng áp lực lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhằm chống đỡ các cú sốc từ một cuộc chiến thương mại tiềm tàng.
Tại một hội nghị vào ngày 6/12, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi chuẩn bị đầy đủ để đạt được các mục tiêu kinh tế năm 2025, đồng thời thừa nhận rằng phát triển kinh tế hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức.
PBoC có 5 lập trường chính sách bao gồm nới lỏng, nới lỏng vừa phải, thận trọng, thắt chặt vừa phải và thắt chặt.
Định hướng chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua. .
Dù đã trải qua nhiều chu kỳ thắt chặt và nới lỏng chính sách tiền tệ những năm gần đây, Trung Quốc vẫn duy trì định hướng “thận trọng” từ năm 2011. Trước đó, chính quyền đã chuyển từ chính sách “nới lỏng vừa phải” áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để kiềm chế lạm phát tăng cao.
Theo Bloomberg, sự thay đổi trong chính sách tiền tệ lần này phản ánh nhu cầu cấp bách tăng cường nới lỏng sau khi kinh tế hậu đại dịch không đạt kỳ vọng. PBoC đã cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhiều lần nhưng việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vẫn gặp khó khăn.
“Các công cụ chính sách bổ sung được kỳ vọng cải thiện đáng kể về khối lượng, chất lượng và hiệu quả”, ông Bruce Pang, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, nhận xét.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường