24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Quang Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc mở cửa khẩu: Doanh nghiệp vẫn phải đề phòng khó khăn

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ việc Trung Quốc thông quan trở lại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chủ động đề phòng trước mọi tình huống bất ngờ từ nước bạn.

Sau gần 3 năm áp dụng chính sách “Zero Covid”, mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu. Đây được xem như là tin vui đối với Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá. Bởi thời gian thông quan cũng như thủ tục xuất nhập khẩu sẽ được tối giản, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả sản xuất ngành nông nghiệp năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng, tiềm năng với 1,4 tỷ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này không chỉ thuỷ sản mà nông sản cũng tăng rất mạnh bất chấp những khó khăn đến từ dịch bệnh Covid-19.

Tránh nhu cầu dồi dào, nguồn cung hạn hẹp

Trước thềm mở lại cửa khẩu của Trung Quốc, Bộ Công thương khuyến cáo, doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cần tiếp tục chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới phía Bắc trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: “Năm 2022, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã có những động thái tích cực. Điều này cho thấy thương mại rau quả giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng mở rộng cả về chất và lượng, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19”.

Theo ông Thanh Bình, Trung Quốc mở cửa trở lại đường biên giới từ ngày 8/1 và dỡ bỏ cách ly sau khi hạ mức độ kiểm soát Covid-19 là tín hiệu tốt cho giao thương giữa cả 2 bên.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam là rất lớn. Vậy nên sự kiện mở cửa sẽ là cú hích, cơ hội để nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. Theo dự báo từ phía Hiệp hội rau quả Việt Nam, thời gian tới kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Chính vì vậy, ông Bình cho rằng, doanh nghiệp nếu muốn tận dụng thời cơ xuất khẩu thì phải đảm bảo sản xuất đầu ra phù hợp với yêu cầu và quy định từ phía Trung Quốc. Đặc biệt phải lưu ý đến các quy định về kiểm dịch thực vật an toàn thực phẩm, mã vùng sản xuất.

Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam kiến nghị cần có những chính sách rộng mở để việc thông qua được diễn ra nhanh chóng, không bị ùn ứ để doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiết kiệm thời gian.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết: “Trung Quốc là thị trường rất lớn, hàng năm kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 100 tỷ USD. Với sức tiêu thụ như vậy, Việt Nam hiện nay đang có thế mạnh về các mặt hàng xuất khẩu như thuỷ sản, hoa quả, rau củ,... Chính vì vậy, theo tôi, lệnh 8/1 tới đây là tín hiệu rất phấn khởi”.

Trung Quốc mở cửa khẩu: Doanh nghiệp vẫn phải đề phòng khó khăn
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Tuy nhiên, theo ông Phú, mặc dù Trung Quốc mở rộng thông quan nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải thực hiện cam kết theo Lệnh 248, 249 về an toàn thực phẩm do phía Trung Quốc ban hành. Trung Quốc chỉ bỏ kiểm dịch, còn tất cả các vấn đề khác như địa chỉ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mã hàng hoá, vùng trồng,.. vẫn duy trì.

Việt Nam sẽ phải chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đón đầu xu hướng, tránh để tình trạng nhu cầu thì dồi dào nhưng nguồn cung thì hạn hẹp, khan hiếm. “Trung Quốc mở cửa nhưng mình không có đủ hàng để xuất khẩu hay ứ hàng không xuất khẩu sang được là thất bại. Chuẩn bị nguồn hàng là những điều cần làm để tận dụng cơ hội”.

Nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam quá dễ dàng

Bên cạnh khơi thông xuất khẩu, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhập khẩu hàng hoá. “Chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao Trung Quốc có lệnh 248, 249 mà Việt Nam thì chưa có quy định giống vậy. Nông sản Trung Quốc vào Việt Nam quá dễ dàng, không có quá nhiều rào cản”.

Theo ông Phú, phía nước bạn mở cửa thì nước ta cũng phải mở cửa nhưng bắt buộc cần có những quy định về chất lượng. Vấn đề này cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng kiểm duyệt chất lượng nội địa.

Từ cơ hội trên, Việt Nam cần tận dụng cả 2 chiều, vừa nhập khẩu để lấy nhiên liệu sản xuất vừa xuất khẩu để thúc đẩy sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản. Đồng thời, ông Phú kiến nghị doanh nghiệp phải mạnh dạn đề xuất các chính sách mới để Nhà nước đầu tư, ví dụ như xây dựng các kho ngoại quan trong biên giới, cải thiện hạ tầng giao thông để tiết kiệm thời gian thông quan.

Chốt lại vấn đề, chuyên gia Vũ Minh Phú nhấn mạnh rằng doanh nghiệp phải linh hoạt, mạnh dạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tính toán để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Phú cũng đặc biệt lưu ý, xu thế trong thời gian sắp tới là xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch, vì vậy doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu vững chắc. Thương hiệu không chỉ thể hiện chất lượng hàng hoá mà còn thể hiện cách giao thương, vận hành của doanh nghiệp. Thương hiệu doanh nghiệp cũng được sử dụng để xây dựng niềm tin đối với bạn hàng, đây là điều quan trọng cần phải giữ vững.

Trung Quốc mở cửa khẩu: Doanh nghiệp vẫn phải đề phòng khó khăn
Chi phí trung gian đèo nặng nên hàng hoá của Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng)

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng trong hàng hoá thương mại đó là chi phí trung gian. Đây là vấn đề nhức nhối, đeo nặng lên hàng hoá của Việt Nam, nếu chúng ta không giảm chi phí đó, chúng ta sẽ không thể đi nhanh, không thể cạnh tranh so với quốc tế.

Dự báo trong thời gian tới, ông Phú nhận định: “Chúng ta không thể đoán trước được điều gì vì Covid-19 diễn biến rất khó lường, có thể bất ngờ có những biến thể. Điều mà doanh nghiệp có thể làm là chủ động trước mọi kịch bản xấu nhất, phải đề phòng những khó khăn bất ngờ từ phía Trung Quốc.

Doanh nghiệp, người sản xuất, nông dân chủ động lắng nghe các cơ quan tham mưu, làm việc thường xuyên để nắm bắt các tình hình xuất nhập khẩu để linh hoạt trong xử lý”.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây đã ra thông báo với một số nội dung có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh). Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19.

Quyết định này là bước đi tiến gần tới việc hủy bỏ chính sách phòng dịch Zero Covid-19 chặt chẽ đã được Trung Quốc áp dụng trong suốt 3 năm qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả