Trung Quốc mất sức hút, Đông Nam Á trở thành điểm đến của dòng tiền
Nhân tài, dòng vốn và của cải đang dịch chuyển từ Hồng Kông (Trung Quốc) sang Singapore, hai khu vực đóng vai trò là cửa ngõ để tiếp cận các nền kinh tế lớn nhất châu Á, gồm Đông Nam Á và Trung Quốc.
Tiếp cận Đông Nam Á qua Singapore
Nhiều công ty đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân bắt đầu thiết lập dấu ấn của họ tại Singapore, gây thách thức cho Hồng Kông (Trung Quốc). Nói cách khác, Quốc đảo sư tử đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà quản lý tài sản và quỹ đầu tư.
Từ đầu năm 2022, các công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng sang Singapore để có cơ hội tiếp cận nhiều hơn tới khu vực Đông Nam Á, Deal Street Asia cho biết. Các công ty đầu tư tư nhân và quản lý đầu tư khác, như China Renaissance, Hamilton Lane, Lighthouse Capital và TR Capital, cũng có động thái tương tự để mở rộng tại thị trường này.
Cùng với xu hướng này, văn phòng gia đình cũng nở rộ ở Singapore, họ quản lý tài sản của các gia tộc không chỉ đến từ Trung Quốc, mà còn đến từ Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ, ông Michael Marquardt, CEO của công ty dịch vụ đầu tư IQ-EQ Asia, cho hay.
Kết quả, Singapore thu hút được khoảng 25 tỷ USD trong năm 2022, tương đương hơn 2/3 con số của năm trước đó, theo nhà cung cấp dữ liệu về tài sản thay thế Preqin. Trong khi đó, hoạt động huy động vốn tại Trung Quốc lại giảm hơn 80% xuống còn khoảng 22 tỷ USD, từ mức 116 tỷ USD năm 2021. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là trọng tâm lớn nhất của các quỹ đầu tư vào tài sản thay thế ở Singapore, chiếm 9.5 tỷ USD.
Hoạt động huy động vốn của Singapore vẫn cao, nhưng một phần vốn triển khai tại đây vẫn hướng tới Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty góp vốn vẫn cảnh giác với rủi ro đầu tư ở Trung Quốc trong năm 2022, một số đã chuyển qua khu vực khác ở châu Á, như Đông Nam Á, để đa dạng hoá.
Trung Quốc từng là điểm đến an toàn cho nhà đầu tư châu Á, song dòng vốn giờ chuyển sang Đông Nam Á và Ấn Độ, Chris Kim, Giám đốc quản lý cấp cao tại Finex Hong Kong Limited, cho hay. “Chúng tôi nhận thấy hứng thú ngày càng lớn đến từ nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn là những nhà đầu tư tổ chức bảo thủ nhất, đang xin tư vấn về thị trường Ấn Độ”, ông Kim nói.
“Các văn phòng gia đình hầu hết triển khai vốn của họ vào lĩnh vực bất động sản và đầu tư tư nhân ở Singapore”, ông Marquardt của IQ-EQ Asia chia sẻ.
Theo Siew Kam Boon, đồng Giám đốc của công ty đầu tư tư nhân thuộc Dechert LLP, việc dòng vốn đổ về Đông Nam Á không phải vì nhà đầu tư xa lánh Trung Quốc. “Điều đó không có nghĩa là nhà đầu tư chọn Đông Nam Á thay vì Trung Quốc, mà đó là vấn đề phân bổ đa dạng nguồn vốn”.
Còn theo Lawrence Chu, đồng sáng lập và Chủ tịch của Venture Smart Financial Holdings, chắc chắn các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đang quan tâm tới Đông Nam Á, một thị trường nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc nhưng lại có sự đa dạng về địa lý, luật pháp và quy định. “Thị trường Đông Nam Á rất thú vị, song nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn với nó”, ông Chu nhận định.
Non trẻ nhưng sẽ tăng trưởng
Đông Nam Á lâu nay vẫn được đánh giá là thị trường khá non trẻ so với những nền kinh tế lớn hơn và phát triển hơn. Song, thị trường này giờ đã trưởng thành hơn đôi chút nhờ một số thương vụ lớn, đặc biệt là các vụ IPO của những cái tên nổi tiếng, theo ông Boon.
Một số đợt IPO lớn nhất của khu vực này là của công ty công nghệ Bukalapak, GoTo và Grab, dù giá cổ phiếu của họ đều giảm mạnh trong năm 2022 do làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu. Do đó, trong bối cảnh suy thoái hiện nay, một số công ty khác phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch niêm yết.
Ông Boon cho biết những khoản đầu tư và nguồn vốn đang được triển khai cần phải chứng tỏ là không có rủi ro trong điều kiện thị trường hiện nay, thay vì được phân bổ theo địa lý. “Với tình hình hiện tại, nhà đầu tư phải tìm kiếm các công ty có nền tảng cơ bản vững mạnh”, ông nói.
Tâm lý nhà đầu tư ở Đông Nam Á vẫn lạc quan trong năm 2023, với số lượng thương vụ dự báo tăng lên, bởi khu vực này đang là tâm điểm khi nói đến đầu tư tại châu Á, theo giới chuyên gia. “Chúng tôi dự đoán các thương vụ ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, đặc biệt là ở các thị trường tài sản có khả năng điều hướng tốt nhất theo các yếu tố vĩ mô”, ông Marquardt.
Hệ sinh thái đầu tư ở Đông Nam Á sẽ ngày càng lớn và trưởng thành hơn, trong đó, Singapore sẽ đóng vai trò là bệ phóng, đặc biệt là trong mảng đầu tư mạo hiểm, Kerrine Koh, Giám đốc thị trường Đông Nam Á của Hamilton Lane nói với Deal Street Asia.
Khó để phớt lờ Trung Quốc
Phần lớn nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ phục hồi. Ông Boon cho rằng hoạt động huy động vốn tại Trung Quốc rất có thể sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2023, với tốc độ dần dần.
“Mọi người vẫn còn một chút không chắc chắn và các nhà đầu tư lại không thích sự không chắc chắn”, ông Boon nói và bổ sung thêm rằng rất khó để bỏ qua Trung Quốc vì đây là thị trường lớn nhất của châu Á.
Các nhà đầu tư doanh nghiệp cùng với các quỹ lớn vẫn hứng thú với việc đầu tư chiến lược vào Trung Quốc, song các quỹ nhỏ hơn và nhà đầu tư tổ chức lại không mấy quan tâm, theo ông Kim.
Trong khi đó, bà Koh của Hamilton Lane cho rằng các yếu tố rủi ro đã kéo giảm hứng thú đầu tư vào Trung Quốc. “Hiện tại, rất khó để huy động vốn đầu tư tư nhân cho Trung Quốc từ bên ngoài”.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn vẫn giữ quan điểm lạc quan trong dài hạn đối với Trung Quốc, và tiếp tục triển khai vốn vào khu vực này, theo ông Chu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận