Trung Quốc: khủng hoảng bất động sản làm tăng nợ xấu
Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực tới ngành ngân hàng của nước này, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao và làm suy giảm lợi nhuận của các ngân hàng.
Nợ xấu tăng cao
Theo Bloomberg, ngành ngân hàng trị giá 52.000 tỉ đô la của Trung Quốc đang phải đối mặt với một năm khó khăn do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản ngày càng lan rộng. Hệ quả là các khoản nợ xấu tồn đọng của ngành ngân hàng đã tăng lên mức kỷ lục 2.950 tỉ nhân dân tệ trong tháng 6.
Trong số đó, các khoản vay liên quan đến lĩnh vực nhà đất đặc biệt đáng lo ngại khi các tập đoàn bất động sản Trung Quốc đã phải đình chỉ nhiều dự án do khó khăn thanh khoản, kéo theo làn sóng người mua nhà tẩy chay thanh toán các khoản vay thế chấp.
Các dữ liệu chính thức cho thấy, mức độ liên quan của các ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản hiện lớn hơn bất kỳ ngành nào khác, với các khoản vay thế chấp trị giá 39.000 tỉ nhân dân tệ, và các khoản vay của doanh nghiệp bất động sản trị giá 12.000 tỉ nhân dân tệ.
Theo Nikkei Asia, kể từ cuối năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đã ghi nhận tỷ lệ nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản tăng 27%. Các khoản nợ xấu này hiện chiếm 12,3% tổng mức nợ xấu của các ngân hàng – tăng 2 điểm phần trăm kể từ đầu năm tới nay.
Trong số các ngân hàng lớn, Ngân hàng Trung Quốc (BoC) có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn hơn cả, chiếm tới 38% tổng giá trị các khoản vay. Và những báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2022 vừa được công bố cho thấy, BoC cùng nhiều ngân hàng lớn nhất tại Trung Quốc đều phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ nợ xấu liên quan đến bất động sản tăng mạnh.
Cụ thể, BoC và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) cho biết, các khoản nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã tăng lần lượt 20% và 68% trong nửa đầu năm nay. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – ngân hàng có tổng giá trị tài sản lớn nhất thế giới, cũng ghi nhận số nợ xấu liên quan đến bất động sản tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, Ngân hàng Truyền thông (BoCom) cho biết, các khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản đã tăng 79% trong nửa đầu năm nay, trong khi Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc (CMB) ghi nhận mức tăng gấp đôi.
Những rủi ro đối với hệ thống tài chính
Chuyên gia Harry Hu, Giám đốc cấp cao của S&P Global Ratings, ước tính rằng tỷ lệ các khoản nợ xấu trong lĩnh vực phát triển bất động sản của các ngân hàng Trung Quốc sẽ tăng từ mức 2,6% hồi cuối năm ngoái lên khoảng 5,5% đến 5,6% vào cuối năm nay, và là mối đe dọa lớn đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng Trung Quốc.
Tình hình nhiều khả năng sẽ chưa được cải thiện, chừng nào cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản vẫn chưa chấm dứt. Li Yun, Phó chủ tịch CCB, cho biết các khoản nợ thế chấp quá hạn do làn sóng tẩy chay thanh toán trong lĩnh vực bất động sản tại ngân hàng này đã đạt 1,14 tỉ nhân dân tệ vào cuối tháng 7.
Dẫu vây, giới chức các ngân hàng lớn tại Trung Quốc vẫn tỏ ra tự tin vào khả năng ứng phó với tình hình. Wang Jingwu, Giám đốc điều hành kiêm Phó chủ tịch ICBC, cho biết “sự suy giảm chất lượng cho vay trong lĩnh vực bất động sản hiện đã dần đạt đến giai đoạn ổn định”. Chủ tịch Gu Shu của AgBank cũng đánh giá tỷ lệ nợ xấu liên quan đến bất động sản của ngân hàng này có thể giảm “một cách có trật tự trong khoảng thời gian nhất định”.
Một số chuyên gia khác lại cảnh báo rằng, những bất ổn đang diễn ra trên thị trường nhà đất có khả năng gây thiệt hại lớn hơn đối với các ngân hàng quy mô nhỏ. Theo Nomura Global Markets Research, các ngân hàng khu vực sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn về chất lượng tài sản trong bối cảnh kinh tế giảm tốc.
Nicholas Zhu, một chuyên gia phân tích lĩnh vực ngân hàng tại Moody’s, cũng cho biết: “Cú sốc giá nhà đất sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới các ngân hàng khu vực, vốn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh doanh tại các thị trường địa phương. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng này, dẫn tới rủi ro cao hơn”.
Theo SCMP, khoảng 20% trong số 45 ngân hàng khu vực và nông thôn có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán đã ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm – kết quả tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các khoản nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản tại nhiều ngân hàng đặc biệt tăng mạnh, bởi mối liên hệ chặt chẽ với các công ty bất động sản nhỏ vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, hai ngân hàng nông thôn quy mô nhỏ tại tỉnh Liêu Ninh đã phải tiến hành thủ tục bảo hộ phá sản – một điều hiếm khi xảy ra tại Trung Quốc. Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng Natixis, đánh giá “các ngân hàng nhỏ đang ở trong một cơn bão thực sự. Mỗi sự cố chỉ khiến tình hình của họ trở nên khó khăn hơn”.
Không chỉ các ngân hàng tại Trung Quốc đại lục, mà nhiều ngân hàng hoạt động tại Hồng Kông cũng đã bắt đầu cảm thấy nhức nhối với lĩnh vực bất động sản, và đang chuẩn bị phòng ngừa những rủi ro lớn hơn.
Dah Sing Banking Group – một ngân hàng hạng trung ở Hồng Kông mới đây cho biết, khoản lỗ do suy giảm tín dụng của họ trong tháng sáu tháng đầu năm đã tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 305 triệu đô la Hồng Kông. Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Nicholas Mayhew, Phó giám đốc điều hành ngân hàng cho biết “một phần tương đối lớn” trong số này, liên quan đến lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đại lục.
Theo ông Mayhew, tổng mức độ rủi ro trong lĩnh vực này là tương đối nhỏ, nhưng ngành ngân hàng vẫn sẽ cần phải cảnh giác.
Tác động từ áp lực phải cho vay nhiều hơn
Trong khi vẫn đang phải ứng phó với tỷ lệ nợ xấu gia tăng, các ngân hàng Trung Quốc lại đang phải đối mặt với một sức ép khác: các cơ quan quản lý thúc giục đẩy mạnh hoạt động cho vay.
Hôm 22-8, trong một nỗ lực hỗ trợ thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cơ bản đối với các khoản vay kỳ hạn một năm 0,05 điểm phần trăm xuống còn 3,65%. Lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm cũng được cắt giảm 0,15 điểm phần trăm xuống còn 4,3%.
Cũng trong ngày hôm đó, Thống đốc PBoC Dịch Cương đã khuyến khích các ngân hàng cần “chủ động và đóng vai trò là xương sống” để hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc, đồng thời đặc biệt đề cập đến sự cấp thiết trong việc đảm bảo nhu cầu tài chính hợp lý cho lĩnh vực bất động sản.
Đáp lại yêu cầu này, các ngân hàng lớn như ICBC cho biết “sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, để thực hiện một cách hiệu quả gói chính sách của chính phủ trung ương nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định”.
Tuy nhiên, theo Ting Lu, chuyên gia Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, lãi suất chỉ là một phần nhỏ của bài toán mà thị trường bất động sản Trung Quốc đang phải đối mặt. Các yếu tố chủ yếu khiến nhu cầu mua nhà mới sụt giảm là sự mất niềm tin vào cam kết giao nhà của các công ty bất động sản, tăng trưởng thu nhập chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, và sự bất ổn ngày càng lớn do chiến lược zero Covid. Do vậy, chỉ hạ lãi suất là chưa đủ để giúp thị trường bất động sản Trung Quốc thoát khỏi tình hình khó khăn hiện nay.
Việc chịu áp lực phải cho vay nhiều hơn, trong khi nhu cầu vay vốn vẫn khá ít ỏi, đã buộc một số ngân hàng lớn phải áp dụng các biện pháp bất thường để tăng khối lượng cho vay.
Grace Wu – người phụ trách mảng xếp hạng ngân hàng Trung Quốc tại Fitch Ratings đánh giá, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với áp lực ký quỹ nhiều hơn nữa trong nửa cuối năm nay khi lãi suất cơ bản giảm xuống. Bản thân các ngân hàng này hiện đã phải chật vật xoay xở với những hạn chế về vốn, khi vị thế vốn cốt lõi đã xấu đi đáng kể, và giờ đây lại phải thúc đẩy hoạt động cho vay. “Điều này sẽ đẩy các ngân hàng vào tình trạng khó khăn hơn”, bà Grace Wu chia sẻ với Bloomberg.
Nguồn: SCMP, S&P Global, Reuters, Bloomberg, Nikkei Asia
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận