Trung Quốc đối phó thế nào với cuộc chiến thương mại 2.0 dưới thời ông Trump?
Trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump dự kiến sẽ phát động cuộc chiến thương mại 2.0 với Trung Quốc, tiếp nối những gì còn dang dở trong nhiệm kỳ đầu.
Mùa hè năm 2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Thậm chí có những dự báo Trung Quốc có thể sớm vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, đến năm 2024, với sự trở lại ngoạn mục của ông Trump sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, tình hình kinh tế Trung Quốc đi theo chiều hướng khác. Đối mặt với những thách thức về bất động sản, nợ nần và giảm phát, Trung Quốc dường như không sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại 2.0. Tuy vậy, theo CNN, sự thật có thể khác với vẻ ngoài.
Chuẩn bị đường dài
"Trung Quốc đã chuẩn bị cho sự trở lại của ông Trump trong một thời gian khá dài. So với trước đây, Mỹ hiện không còn là một nhân tố quá quan trọng đối với mạng lưới thương mại của Trung Quốc", ông Dexter Roberts, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết.
Với những kiến thức về cách thức hoạt động của tổng thống đắc cử, giới lãnh đạo Trung Quốc đang được trang bị tốt hơn để đối phó với sự trở lại của ông Donald Trump cùng cam kết áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa bán nhập khẩu từ Bắc Kinh.
Trung Quốc đã có sự chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại 2.0. (Ảnh: AP)
Một phần sự chuẩn bị này đến từ cuộc chiến thương mại đầu tiên, sau đó vẫn tiếp diễn dưới thời Tổng thống Joe Biden. Trong bối cảnh trên, Bắc Kinh cũng như các công ty Trung Quốc đã bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào thương mại Mỹ. Những tác động này có thể thấy rõ trong dữ liệu thương mại và đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.
Mới đây nhất, vào năm 2022, thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục. Nhưng tới năm 2023, theo Bộ Thương mại Mỹ, Mexico vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu vào Mỹ. Trung Quốc giữ vững vị thế đó trong 20 năm trước khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm 20% xuống còn 427 tỷ USD.
Theo Matthews Asia, năm ngoái, chưa đến 30% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc được chuyển đến các nước G7, giảm so với mức 48% vào năm 2000. Dù xuất khẩu ít hơn cho Mỹ, nhưng thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc hiện ở mức 14%, tăng so với mức 13% trước khi Trump áp thuế lần đầu.
Tại một cuộc họp báo tháng 11, ông Vương Thụ Văn, nhà đàm phán thương mại quốc tế và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, nói với các phóng viên: "Chúng tôi có khả năng giải quyết và chống lại tác động của các cú sốc bên ngoài".
Đáp trả có mục tiêu
Bà Liza Tobin, giám đốc cấp cao về kinh tế tại Dự án Nghiên cứu cạnh tranh đặc biệt (Mỹ), cho biết Mỹ không nên mong đợi một biện pháp trả đũa đơn thuần về mặt thuế quan từ phía Trung Quốc. Thay vào đó, bà dự đoán Bắc Kinh sẽ đưa ra các hành động có mục tiêu hơn.
“Trung Quốc đã và đang gây sức ép lên các công ty nước ngoài hoạt động trong nước, và họ có thể gia tăng sức ép lên các công ty Mỹ, lựa chọn những mục tiêu mà họ muốn đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc”, bà cảnh báo.
Vào tháng 9, Bắc Kinh mở cuộc điều tra nhà bán lẻ thời trang PVH Corp, chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger, vì từ chối sử dụng bông từ khu vực Tân Cương. Động thái này có thể kéo theo lệnh trừng phạt đối với công ty Mỹ và mang lại lợi ích kinh doanh lớn cho Trung Quốc.
Trong một sự kiện khác năm 2023, cảnh sát Trung Quốc đột kích văn phòng của Bain & Company, một công ty tư vấn quản lý của Mỹ, tại Thượng Hải. Diễn biến này khiến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nói chung lo ngại.
Ngay sau sự việc, phương tiện truyền thông nhà nước tiết lộ rằng các cơ quan an ninh đã đột kích nhiều văn phòng của công ty tư vấn quốc tế Capvision, có trụ sở tại Thượng Hải và New York.
Các nhà kinh tế cho biết, Trung Quốc có thể lựa chọn trả đũa các công ty Mỹ hoặc các ngành nông nghiệp thay vì bán lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ nắm giữ để đáp trả.
Việc hạ giá đồng nhân dân tệ cũng có thể giúp ích cho xuất khẩu của Trung Quốc nếu ông Trump áp đặt mức thuế quan mới. Dù vậy, các nhà phân tích không cho rằng động thái này nằm trong kế hoạch.
Sean Callow, nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại ITC Markets cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách khó có thể coi việc phá giá là hợp lý khi cân nhắc nhiều chi phí khác nhau. Thay vào đó, họ có thể sẽ chọn cách làm khác”.
Theo ông Callow, đợt phá giá đột ngột vào tháng 8/2015 của Trung Quốc gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh cho biết họ muốn củng cố niềm tin vào thị trường chứng khoán của mình, đối với cả các nhà đầu tư trong nước và để giới thiệu Trung Quốc với thế giới như điểm đến hấp dẫn để đầu tư.
Ông Callow cho biết, Bắc Kinh cũng muốn nâng giá trị và uy tín cho đồng nhân dân tệ, để đồng tiền này có thể thay thế đồng USD của Mỹ. Đối tượng họ hướng tới là các nhà quản lý dự trữ của ngân hàng trung ương, đặc biệt là những người lo lắng về lệnh đóng băng tài sản của Mỹ và châu Âu đối với Nga kể từ năm 2022.
Tận dụng thị trường nội địa
Trung Quốc không phải là mục tiêu duy nhất mà ông Trump dự định áp thuế. Tuy nhiên, Trung Quốc có thị trường tiêu dùng trong nước khổng lồ và họ hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này.
“Phản ứng tốt nhất mà Bắc Kinh có thể thực hiện đối với thuế quan là tự sắp xếp lại trật tự trong nước, bằng cách khôi phục niềm tin của các doanh nhân Trung Quốc, những người chiếm 90% việc làm tại thành thị và hầu hết các hoạt động đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng trong nước mạnh hơn và giảm bớt tác động của việc giảm xuất khẩu sang Mỹ”, ông Andy Rothman, chiến lược gia Trung Quốc tại Matthews Asia, cho biết.
Tháng 10/2024, Cục Thống kê Quốc gia đã công bố nền kinh tế đã giảm tốc hơn nữa trong các tháng từ tháng 7 đến tháng 9, bị ảnh hưởng bởi mức tiêu dùng yếu, một phần là do các vấn đề đang diễn ra trên thị trường bất động sản. Tổng sản phẩm quốc nội tăng 4,6% trong giai đoạn ba tháng, so với một năm trước. Hiện tại, chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường