Trung Quốc đối mặt giảm phát, Việt Nam ứng phó ra sao?
Trong khi hàng loạt nền kinh tế đối mặt với tình trạng lạm phát cao thì Trung Quốc chứng kiến dòng chảy ngược lại: giảm phát. Điều này tác động gì đến Việt Nam?
Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, kinh tế Trung Quốc không bùng nổ trong thời kỳ hậu COVID như nhiều dự báo, nghĩa là giảm phát đã bắt đầu. Nhưng vì sao giảm phát lại đáng sợ? Bởi vì nó phản ánh tổng cầu suy yếu, kéo theo sản lượng nền kinh tế, GDP bị thu hẹp,…
Trung Quốc là thị trường chủ đạo của Việt Nam, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, cà phê, hồ tiêu của nước ta giảm cả khối lượng lẫn giá trị trong thời gian Trung Quốc giảm phát. Trong khi đó, hệ sinh thái nhập khẩu nguyên liệu Trung Quốc - sản xuất tại Việt Nam - xuất khẩu sang Mỹ, EU có thể đón cơn gió “nghịch”.
Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn về nguyên, nhiên liệu tại thị trường Trung Quốc, nếu nước này điều chỉnh tỷ giá hối đoái đồng NDT, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam lập tức bị ảnh hưởng, bài học từng xảy ra hồi năm 2016 khi Trung Quốc hạ giá đồng NDT khiến Việt Nam phải hạ đồng VND để ứng phó. Viễn cảnh này rất có nguy cơ xảy ra trong thời gian tới, bởi khi cầu trong nước sụt giảm mạnh, thì quốc gia này có thể sẽ giảm giá NDT để thúc đẩy xuất khẩu.
Hơn nữa, các nhà sản xuất lớn tại Trung Quốc đang thời kỳ “ngủ đông” trên ưu điểm giá sản xuất thấp, chắc chắn sẽ trỗi dậy trong tương lai gần, tạo ra dòng hàng hóa giá rẻ để xâm nhập vào các thị trường trong khu vực. Khi đó, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt - lịch sử đã từng xảy ra rất nhiều lần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao các diễn biến tiếp theo từ xuất nhập khẩu đến tỷ giá và lãi suất, nhất là chỉ số CPI và PPI của Trung Quốc để có chiến lược phù hợp. Điều quan trọng là phải đẩy mạnh đa dạng thị trường xuất nhập khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường