Trung Quốc có thể gia tăng căng thẳng thương mại với Đài Loan đến mức độ nào?
Các lệnh trừng phạt từ Trung Quốc đối với Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi chủ yếu nhắm tới sản phẩm nông, hải sản, có tác động không quá lớn.
Quan hệ thương mại giữa hai bờ eo biển Đài Loan tiếp tục leo thang căng thẳng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viên Mỹ Nancy Pelosi. Các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh áp dụng sau đó chủ yếu nhắm tới lĩnh vực nông, hải sản và được dự báo sẽ không gây ra nhiều tác động đáng kể đối với Đài Bắc vì thực phẩm chỉ chiếm 0,4% tổng giá trị thương mại giữa hai bên, theo nhóm chuyên gia tới từ Goldman Sachs Group Inc. Trong khi đó, tổng kim ngạch thương mại giữa năm 2021 giữa hai bờ eo biển đạt 328,3 tỷ USD.
Nếu như Trung Quốc muốn giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước, họ có thể nhắm tới gỗ, khoáng sản, giày dép và mũ khi Trung Quốc không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn hàng thay thế, theo DBS. Ví dụ, 1/5 kim ngạch xuất khẩu gỗ của Đài Loan có đích đến là Trung Quốc nhưng chỉ chiếm 0,1% tổng lượng gỗ nhập vào Trung Quốc. Một số nhà xuất khẩu gỗ lớn khác tới Trung Quốc gao gồm Nga, Mỹ và Australia.
Trung Quốc bán hàng sang Đài Loan, giống như những gì họ đã làm với cát tự nhiên. Trong quá khứ, Trung Quốc đã có thời gian áp dụng các biện pháp tương tự như trong năm 2007.
Nhưng có một nguyên nhân khiến Trung Quốc không dám mạo hiểm đẩy căng thẳng thương mại lên cao. Công nghệ chính là “trái tim” của thương mại giữa đôi bờ eo biển, chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan vào Trung Quốc.
Trung Quốc nhập vi mạch từ hòn đảo này với giá trị lên tới 79,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này tương đương 38% kim ngạch của Trung Quốc trong cùng giai đoạn.
“Xác suất Trung Quốc nhắm tới lĩnh vực công nghệ không cao”, theo Ma Tieying, Chuyên gia kinh tế tại DBS Group Holdings Ltd. “Nếu như bạn nhìn vào vai trò của Đài Loan trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu, bạn sẽ thấy được áp đảo của họ. Sẽ rất khó để Trung Quốc có thể tìm được nguồn cung thay thế một khi cấm nhập chip bán dẫn từ Đài Loan”, ông nói.
Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn cung các sản phẩm công nghệ từ Đài Loan. Ảnh: Bloomberg.
Đài Loan nổi tiếng là nhà cung cấp chip bán dẫn hàng đầu thế giới nhờ vào tầm ảnh hưởng của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, (TSMC) doanh nghiệp chiếm tới một nửa thị phần chip điện tử toàn cầu. Rất khó để Trung Quốc tìm kiếm một nhà cung cấp thay thế nếu như áp dụng biện pháp hạn chế, đặc biệt là các dòng chip có tiến trình 5 và 7 nm.
Trung Quốc và nhiều quốc gia phát triển khác, gồm cả Mỹ và Nhật Bản, liên tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn đồng thời mời chào TSMC xây dựng nhà máy tại nước mình nhằm giảm thiểu các rủi ro địa chính trị có thể ảnh hưởng tới nguồn cung chip từ Đài Loan.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International Corp phải chịu cấm vận từ Mỹ khi Washington muốn “chặn đứng” tham vọng "bá chủ" thị trường chip bán dẫn toàn cầu của quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi nhiều công ty nội địa Trung Quốc đạt được không ít thành tựu trong lĩnh vực sản xuất chip, các chuyên gia trong ngành nhận định họ vẫn thụt lùi nhiều năm so với TSMC.
Mặt khác, Trung Quốc cũng muốn duy trì “sợi dây liên kết” vốn đầu tư từ hòn đảo này.
Có thể kể tên nhiều doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Trung Quốc, nổi bật nhất là Hon Hai Precision Industry Co hay còn gọi là Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple. Công ty này có thời điểm là doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng nhiều lao động nhất tại Trung Quốc với tham vọng mở rộng đội ngũ công nhân lên tới hơn 1 triệu người. Riêng nhà máy tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, có khoảng 200.000 lao động đang làm việc.
Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Trung Quốc có thể chịu ít nhiều ảnh hưởng nếu họ “o ép” doanh nghiệp Đài Loan.
Căng thẳng leo thang giữa đôi bờ eo biển Đài Loan sẽ làm gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như toàn cầu vì đây là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Một nửa đội tàu container trên toàn thế giới và 88% các con tàu lớn thường xuyên di chuyển qua khu vực này tính từ đầu năm 2022, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh tập trận trên vùng biển này đã gây ra tác động không nhỏ đối với các luồng tuyến thương mại có lộ trình đi và đến các cảng biển của quốc gia này. Nhiều tàu đã phải thay đổi hướng di chuyển trong những ngày Trung Quốc tập trận gần đây, theo Tan Hua Joo, Chuyên gia tư vấn tại Linerlytica.
“Trong trường hợp xảy ra chiến sự, đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác”, ông nói. “Nhưng dựa vào những gì đã diễn ra trong vài tuần gần đây, tôi cho rằng Trung Quốc không hề có ý định gây cản trở các tuyến thương mại vì không ai khác ngoài Trung Quốc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính những việc mà họ làm”, ông nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận