'Trợ giá mua xe điện trước khi hạn chế phương tiện gây ô nhiễm'
'Nếu có chính sách hỗ trợ một, hai triệu đồng cho người dân chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe điện thì chắc chắn sẽ được ủng hộ'.
"Nếu theo xác định của thành phố về 'nguồn ô nhiễm chính là do xe máy và 72% số xe máy đã sử dụng trên 10 năm' thì theo tôi, nên ưu tiên giảm số lượng xe máy chạy xăng, thay bằng xe máy chạy điện, thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể. Ví dụ người dân đang sử dụng xe máy chạy xăng có niên hạn hơn 10 năm khi chuyển đổi sang xe máy điện sẽ được thành phố hỗ trợ 1-2 triệu đồng.
Đồng thời, Hà Nội cũng có thể làm việc với các hãng sản xuất xe điện để có thêm chính sách về giá tốt hơn cho người dân khi mua xe. Làm vậy chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Còn nếu kèm với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nữa thì cần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông công cộng xanh".
Đó là quan điểm của độc giả Enpi endi về giải pháp hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại một số khu vực mới được HĐND TP Hà Nội thông qua nhằm cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, các khu vực được chọn thí điểm vùng phát thải thấp tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sẽ hạn chế hoặc cấm ôtô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.
Những vùng LEZ sẽ phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường như: cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và môtô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 đi vào vùng LEZ theo thời điểm hoặc khu vực.
Ủng hộ các biện pháp hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở khu vực trung tâm thành phố, bạn đọc Phu Thai bình luận: "Tới thăm người bạn ở phố cổ, tôi ngó xuống đường, thấy cảnh phương tiện ùn ứ, xe máy, ô tô thi nhau xả khói mà phát sợ. Vậy nên, tôi cực kỳ ủng hộ chủ trương của Hà Nội, hạn chế phương tiện không đáp ứng về khí thải vào nội đô, để cải thiện chất lượng bầu không khí. Tất cả là vì một thủ đô hoà bình xanh - sạch - đẹp, vì sức khỏe người dân".
Trong khi đó, độc giả Tò gợi ý giải pháp thu phí phương tiện ra vào vùng LEZ: "Nhiều loại xe máy đang chạy ngoài đường nói thật chẳng biết đạt chuẩn khí thải bao nhiêu? Các nhà sản xuất đều không công bố, hoặc cố tình lờ đi không theo chuẩn nào cả. Tuy nhiên, nói cấm luôn thì sẽ rất khó, nên có bước đệm để người dân chuẩn bị. Ví dụ, trong vòng ba năm tới vẫn cho các xe ra, vào vùng LEZ nhưng sẽ phải trả phí mỗi lần. Còn nếu chỉ nói cấm mà không có biện pháp giám sát thì sẽ chẳng quản được hết.
Theo tôi, với ôtô không đạt chuẩn khí thải thì sẽ áp dụng tự động thu phí mỗi lần đi qua vùng LEZ. Để tránh đánh phí lặp thì cứ một lần thu là lần tiếp theo miễn phí (coi như là đi ra khỏi vùng). Lần thứ ba lại thu và cứ thế chỉ thu theo lượt lẻ. Sau ba năm, thành phố có thể cấm triệt để, không cho các xe này ra vào nữa. Nếu máy quét phát hiện ai cố tình đi vào vùng cấm thì sẽ áp dụng phạt nguội theo mức vi phạm đi vào đường cấm".
Chia sẻ nỗi trăn trở với tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội, bạn đọc Tangvanphuong đề xuất: "Là một người dân sinh sống ở Hà Nội gần 20 năm nay, tôi thấy rằng có rất nhiều thứ cần làm để thủ đô trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Trong đó, có những hành động có thể làm ngay, mà không cần lộ trình vài năm đến vài chục năm, như:
1. Xe chở vật liệu xây dựng phải che chắn kỹ càng; tăng mức phạt lên cao nhất có thể đối với xe làm vương vãi vật liệu xây dựng ra đường; đình chỉ hoặc cấm thi công vài tháng đối với những công trình có xe chở vật liệu làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Đình chỉ những bãi vật liệu xây dựng gây ảnh hưởng môi trường trong các khu dân cư nếu không có các biện pháp che đậy, rửa xe ra vào các khu tập kết.
2. Tăng cường các xe hút, làm sạch đường phố, cầu đường. Các quận huyện chủ động làm sạch các tuyến phố có nhiều hộ dân, mật độ sinh sống cao. Hiện tại, tôi chỉ thấy các tuyến phố gần trung tâm hành chính mới có xe dọn dẹp, hút bụi, còn các tuyến phố khác hầu như không có, nên trên đường lúc nào cũng bụi bẩn. Các xe này có thể hoạt động từ khung giờ 22h tới 5h sáng để đảm bảo trật tự giao thông".
Thành phố xác định nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, chiếm 58-74% tùy từng thời điểm (phương tiện phát thải chính là xe máy, tiếp đến là xe tải và taxi) và nguồn bụi đường. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tổng số phương tiện của Hà Nội đến tháng 4/2024 là trên 8 triệu, trong đó hơn 1,1 triệu ôtô, khoảng 6,9 triệu xe máy. Số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm hơn 72% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường