Triển vọng ngành ô tô nửa cuối năm 2022
Triển vọng ngành ô tô nửa cuối năm 2022
Nhận định về ngành
Ngành ô tô khá nhạy cảm với việc tăng giá của các nguyên vật liệu thô liên quan như thép, nhựa dẻo, xăng dầu, thậm chi cả lãi suất cho vay tiêu dùng. Các nhà sản xuất ô tô đều gặp khó khăn nếu muốn tăng giá bán để bù đắp những chi phí đầu vào đang gia tăng này, vì đặc điểm của ngành này là có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu. Tuy nhiên, với việc giá các nguyên vật liệu chính như thép, nhựa dẻo, xăng dầu và chất bán dẫn có dấu hiệu đạt đỉnh trong năm 2022 và đang suy yếu dần, tôi tin rằng lĩnh vực ô tô có thể nhanh chóng tăng trưởng lợi nhuận trở lại vào năm 2023. Nhu cầu về ô tô vẫn tăng mạnh trong trung và dài hạn do tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức thấp và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên. Về lợi nhuận, biên lợi nhuận ngành ô tô có xu hướng bị siết lại trong nửa cuối năm 2022 và chỉ bắt đầu phục hồi vào năm 2023 sau khi giá vật liệu thô trở lại mức bình thường. Do đặc điểm của ngành là rất nhạy cảm với các chu kỳ thị trường, nên chúng tôi cho rằng định giá của ngành sẽ giảm mạnh, đi cùng với sự giảm sút của lợi nhuận trong ngắn hạn. Thời điểm tốt nhất để đầu tư vào lĩnh vực này sẽ là 6 tháng đầu năm 2023, khi lợi nhuận dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại
Tăng trưởng và triển vọng
Tôi dự báo nhu cầu ô tô có thể suy giảm trong nửa cuối năm 2022, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ nhờ mức nền so sánh thấp năm 2021 (do ảnh hưởng của giãn cách xã hội). Tuy nhiên, mức tăng trưởng 6 tháng cuối năm vẫn thấp hơn mức tăng 23% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022, do các yếu tố: (1) giá xăng dầu neo cao, (2) thời gian giao xe kéo dài và thiếu hụt các mẫu ô tô phổ biến do tình trạng thiếu chip toàn cầu, (3) chính phủ ngừng ưu đãi 50% phí trước bạ đối với xe ô tô (lắp ráp, sản xuất trong nước) kể từ tháng 6/2022. Đối với nhu cầu xe máy, dự báo sẽ không tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 (so với mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022), do công ty lớn nhất là Honda (chiếm 80% thị phần) đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ các mẫu xe tay ga phổ biến do thiếu chip và nguyên vật liệu. Điều này đã gây ra sự chênh lệch giá đáng kể giữa nhà sản xuất và đại lý, do đó người tiêu dùng sẽ trì hoãn mua các mẫu xe mới vào lúc này.
Triển vọng năm 2023
Chuyên gia dự báo nhu cầu ô tô của Việt Nam sẽ tăng trưởng vừa phải, ở mức 11% so với cùng kỳ vào năm 2023, so với mức tăng trưởng bình quân 16%/năm của thị trường ô tô trong 5 năm qua. Động lực tăng trưởng chính vẫn sẽ là: (1) tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam còn thấp tiếp tục kích thích người tiêu dùng mua ô tô mới, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi nhanh về công nghệ và mẫu mã, (2) vấn đề thiếu chip có thể được giải quyết triệt để, tạo điều kiện cho nguồn cung xe tăng lên và giá bán cho người tiêu dùng giảm xuống. Theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi đưa ra dự báo khá thận trọng về triển vọng của năm 2023, nhưng vẫn lạc quan vào chu kỳ bùng nổ tiêu thụ ô tô hiện nay của Việt Nam khi so sánh với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Philippines và Indonesia. Tôi kỳ vọng nhu cầu ô tô vào năm 2023 sẽ vượt qua mức trước đại dịch, với số lượng ô tô bán ra đạt 385.000 chiếc vào năm 2023, cao hơn 14% so với 337.000 chiếc vào năm 2019. Đối với thị trường xe máy, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng 5% so với cùng kỳ vào năm 2023, do nguồn cung xe máy Honda có thể phục hồi sau khi tình trạng thiếu chip và nguyên vật liệu được giải quyết, nhưng tình trạng bão hòa của thị trường xe máy hiện nay sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng của thị trường này ở mức 1-10% trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận