24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Thị Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro gia tăng từ bên ngoài

Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11 với chủ đề: “Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng”, bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: Triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng, nhưng rủi ro đang gia tăng. 

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Theo bà Ramla Khalidi, bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam là tin đáng mừng sau 2 năm gián đoạn kinh tế do COVID-19 gây ra. Các gia đình Việt Nam sẽ bước vào năm Quý Mão 2023 với tình hình tài chính tốt hơn so với cùng thời gian năm ngoái. Tuy nhiên, những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài, đó là cuộc xung đột ở Ukraine - Nga; suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng và đồng USD mạnh lên, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng… có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro gia tăng từ bên ngoài

Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam tham gia diễn đàn. Ảnh: Nam Lê

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu. Ngoài ra, theo UNDP tại Việt Nam, cũng có những rủi ro đến từ trong nước, đặc biệt trong thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đè nặng lên sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sự an khang của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và bão lớn.

Theo ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào, với mức tăng trưởng của Việt Nam mạnh mẽ tính đến tháng 9/2022, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 tăng lên mức 7 - 7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, IMF hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%; lạm phát cũng dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%.

Những tác động đến nền kinh tế trong nước do những bất ổn và khó khăn thách thức từ bên ngoài được cho là nguyên nhân chính khiến IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm sau. Đại diện IMF tại Việt Nam và Lào cho biết: Để đối phó với những thách thức đối với nền kinh tế, các chính sách của Việt Nam cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý những rủi ro tiêu cực, giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả. Nên cân nhắc vị thế chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng. Bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu.

Đại diện IMF nhận định: Mặc dù chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện kể từ cuối năm 2021, song rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng tăng lên, căng thẳng trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện thanh khoản ngân hàng thắt chặt hơn và lãi suất cao đòi hòi phải giám sát chặt chẽ rủi ro ổn định tài chính. Các chính sách tài khóa cần linh hoạt và nhắm trúng đối tượng hơn nếu áp lực lạm phát tăng lên.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội tháng 10/2022 và 10 tháng năm 2022 của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trước tiên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng năm nay ước tăng 9% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến chế tạo vẫn có mức tăng vượt trội. Lực cầu cũng tiếp tục cải thiện rõ nét khi mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

Dòng vốn đầu tư tiếp tục khởi sắc, trong đó, vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2022 ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Còn vốn đầu tư nước ngoài, dù lượng vốn đăng ký 10 tháng năm nay có giảm nhẹ hơn 5%, nhưng lượng vốn thực hiện tăng tới 15,2%, đạt 17,45 tỷ USD. Đây cũng là con số cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Đáng chú ý, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì đà tăng so với cùng kỳ. Nếu xuất siêu 10 tháng lên tới 9,4 tỷ USD, thì riêng con số tháng 10 đã chiếm tới gần ¼ số đó.

Trong bối cảnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng được kiểm soát ở mức tăng 2,89% so với cùng kỳ, đảm bảo mục tiêu cả năm sẽ dưới mức 4%. Đó là những con số cho thấy nội lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những thách thức và áp lực.

Hai kịch bản tăng trưởng năm 2023 cho Việt Nam

Triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro gia tăng từ bên ngoài
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực.

TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp thuộc NCIF (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) - MPI cho biết: Sự phục hồi của nền kinh tế năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023.

Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ (lên đến khoảng 1,6% GDP) dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi.

Triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro gia tăng từ bên ngoài

TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp thuộc NCIF (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia), chia sẻ tại sự kiện.

Tuy nhiên theo TS Trần Toàn Thắng, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, từng bước trở về trạng thái trước COVID-19 do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022; giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất; xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam; thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.

Theo TS Trần Toàn Thắng, kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

“Với các yếu tố tác động như trên, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo hai kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022; kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn”, TS Trần Toàn Thắng cho biết.

*Clip chia sẻ của TS Trần Toàn Thắng:

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả