Triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2022
Cổ phiếu ngân hàng đánh giá nhiều tiềm năng, đặc biệt với một số mã chuyển sàn, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích của VNDirect.
Cổ phiếu ngân hàng đã có một năm 2021 thăng hoa, dù diễn biến trái chiều ở hai thời điểm đầu năm và cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu ngân hàng được xem là những "công thần" giúp VN-Index bứt phá lên trên ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm hồi tháng 4/2021, lần lượt chinh phục những đỉnh cao khác. Tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng đang niêm yết trên sàn ở giai đoạn này đều có sự gia tăng hơn 50%, cao hơn rất nhiều so với khoảng 12% của cùng kỳ năm 2020. Sang nửa cuối năm, tình hình thay đổi, giá cổ phiếu ngân hàng diễn biến theo xu hướng đi ngang và sụt giảm khi dịch bệnh bùng phát cùng với những lo ngại về nợ xấu, tín dụng thắt chặt...
Dự báo về thị trường chứng khoán năm 2022, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích của VNDirect cho rằng, thị trường vẫn sẽ chứng kiến thanh khoản tốt, lên tới 40.000 - 50.000 tỷ đồng/phiên như hồi tháng 11/2021, hoặc có thể hơn nhờ sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu tư trong nước, lượng tài khoản mở mới tăng cao.
Trong bối cảnh này, cổ phiếu ngân hàng sẽ được chú ý. "Khi nhà đầu tư nhận ra việc đầu tư cổ phiếu được hô hào trên các hội nhóm, các doanh nghiệp ít thông tin sẽ rất rủi ro, họ sẽ quay lại các cổ phiếu cơ bản, thông tin được công bố minh bạch thì ngành ngân hàng sẽ được chú ý", bà Hiền lý giải tại Talkshow "Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"?" diễn ra mới đây.
Trong năm 2021, khối ngoại bán ròng khá mạnh do những lo ngại về việc tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp và FED tăng lãi suất. Hiện tỷ lệ bao phủ vắc xin khá cao và những đánh giá tác động từ tăng lãi suất của FED không lớn, dòng vốn nước ngoài được kỳ vọng quay lại Việt Nam và nhóm hưởng lợi đầu tiên là ngân hàng.
Bà Hiền cho rằng, năm 2022, cổ phiếu nhóm ngân hàng khó tạo sóng. Tuy nhiên, việc tăng vốn, quy định về nới room ngoại có thể được thông qua, cũng như động thái chuyển sàn của một số nhà băng sẽ là động lực giúp cổ phiếu ngân hàng bật tăng trở lại, dẫn dắt thị trường. Nhưng các mã sẽ có sự phân hóa khá rõ ràng. Ngân hàng nào có khả năng tăng trưởng mạnh tín dụng và thu nhập ngoài lãi, có chất lượng tài sản tốt thì triển vọng sẽ tốt hơn.
Thu nhập ngoài lãi là một trong những mảng tăng trưởng rất mạnh trong năm 2021 ở nhiều ngân hàng. Cách đây 3 năm, tỷ trọng của mảng này chỉ 20%, cao là 25%. Nhưng trong 9 tháng năm 2021, có ngân hàng đã đạt trên 30% nhờ thu nhập phân phối bảo hiểm (bancassurance). Do vậy, những ngân hàng đẩy mạnh khai thác được mảng kinh doanh thu phí trong năm 2022 thì sẽ có lợi thế.
Điểm chú ý khác là tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) của các ngân hàng trong năm 2021 đã có xu hướng giảm khá mạnh, chỉ 30-35%, thậm chí dưới 30%, giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí, nới rộng biên lợi nhuận. Điều này cho thấy, những ngân hàng có sự đầu tư số hóa, hạ tầng từ những năm trước thì năm nay bắt đầu gặt hái kết quả.
Cổ phiếu của ABBank sẽ được chuyển sàn niêm yết sau khi hoàn thành tăng vốn. Ảnh: ABBank.
Ông Nguyễn Danh Lương, thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng An Bình (ABBank) cho rằng, mặc dù biên lợi nhuận thuần (NIM) của các ngân hàng năm 2022 khó có thể cải thiện, song dư địa tăng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng rất tốt.
Ông Lương cũng nhận định, gói kích cầu quy mô lớn mà Chính phủ tung ra sẽ trực tiếp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh,xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Điều đó tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% năm nay là khả thi.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, khi hiệu quả của dòng vốn ngân hàng được cải thiện thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể gấp trên 2 lần tăng trưởng GDP. Các ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng lớn hơn, khách hàng của hệ thống ngân hàng khi phục hồi được sản xuất kinh doanh cũng sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ và khả năng trả nợ của họ được cải thiện. Những điều đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng tăng trưởng quy mô, phát triển thêm các sản phẩm, đảm bảo được chất lượng danh mục tài sản, cải thiện khả năng thu hồi, xử lý nợ xấu.
Với cổ phiếu ngân hàng, theo đại diện ABBank, việc tăng trưởng các cổ phiếu ngân hàng năm qua là hợp lý, vì thị trường nhận ra ưu điểm của cổ phiếu ngành này. Đó là tính ổn định, minh bạch do hoạt động của các ngân hàng đều tuân theo các chuẩn mực quốc tế và được kiểm soát chặt chẽ.
Những năm gần đây, các ngân hàng tập trung nâng cao năng lực tài chính, tuân thủ các lộ trình và giải pháp của Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu", thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực quản trị, đầu tư xây dựng nguồn nhân lực. Đây là cơ sở cho sự phát triển bền vững của các ngân hàng trong trung, dài hạn và sự hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng.
Ở thời điểm hiện tại, ABBank đang trong giai đoạn 2 của lộ trình tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35%, nâng vốn điều lệ lên mức gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi hoàn thành tăng vốn, ABBank (mã chứng khoán: ABB) sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn chứng khoán..
Động thái về việc chuyển sàn như của ABB, theo các chuyên gia, là một câu chuyện tích cực. Bởi lẽ, khi chuyển sàn giao dịch cổ phiếu thì doanh nghiệp đó cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc công bố thông tin. Đây cũng là một yếu tố các nhà đầu tư cân nhắc khi lựa chọn các mã cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận