Trái phiếu DN là rủi ro cho thị trường tài chính Việt Nam từ 3-5 năm tới?
VietTimes – Có trường hợp nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, danh mục trên 2 tỉ đồng nhưng không biết một số chỉ tiêu tài chính cơ bản, theo ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings.
Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp “Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”, ngày 16/8, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings cho biết kênh trái phiếu đã sản sẻ gánh nặng lớn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động lớn tới các doanh nghiệp.
Tính riêng giá trị phát hành, số dư trái phiếu đang lưu hành so với dư nợ ngân hàng tương đương khoảng 12% nhưng nhưng tính trên phần dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng hơn 30%.
“Nếu không có kênh trái phiếu, tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp đã ngã quỵ, hệ thống ngân hàng thêm gánh nặng” – ông Thuân nói.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings cũng cho rằng cần phải chuẩn hoá các nhà phát hành trái phiếu, để tránh tình trạng ‘vàng thau lẫn lộn’ trên thị trường. Thống kê của Fiin Ratings cho thấy, một số doanh nghiệp phát hành lãi suất thấp cho các công ty dự án.
Các công ty dự án này thường có tài sản để thế chấp, song, theo phương pháp luận của xếp hạng tín nhiệm, thì tài sản thế chấp không có giá trị nhiều, ngoại trừ đối với ngân hàng phát hành riêng lẻ. Các công ty quỹ, công ty bảo hiểm cũng khó có thể làm gì đối với tài sản thế chấp, chứ chưa nói đến nhà đầu tư cá nhân.
Ông Nguyễn Quang Thuân cho hay, có khoảng vài trăm nghìn đến nửa triệu nhà đầu tư cá nhân đang tham gia vào thị trường trái phiếu. Điều này giúp thị trường trái phiếu có thêm tính đại chúng. Dù vậy, vẫn có trường hợp nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, tài sản trên 2 tỉ đồng nhưng ‘một số chỉ tiêu cơ bản có thể họ không biết’.
“Nếu là cổ đông một năm còn được họp một lần, được tiếp cận thông tin kênh đại chúng, còn trái chủ tiền bỏ ra 5 năm, 10 năm dài hơn thế nên thiếu minh bạch không có đầy đủ thông tin mà cứ nhìn lãi suất cao để đầu tư thì một ngày tin nhắn điện thoại không 'ting ting' nữa không biết kêu ai” – ông Thuân nói.
Trong bối cảnh Covid-19, vị chuyên gia này cho rằng kênh trái phiếu đã giúp nhiều doanh nghiệp cấu trúc dòng tiền, song, một số doanh nghiệp khác đã đứt hoàn toàn thanh khoản. Đây là một trong những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Thuận, quy mô trái phiếu doanh nghiệp đã lớn nhưng vẫn còn nhiều ẩn số, cần phải được giám sát chặt chẽ. “Nếu nhìn nhận 3-5 năm nữa, rủi ro thị trường tài chính Việt Nam chính là khối nợ trái phiếu này” – Thuận nhấn mạnh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận