Trái chiều dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản: Nhiều doanh nghiệp âm kỷ lục
Vinhomes đứng đầu danh sách với số tiền thu về hơn 2 tỷ USD từ đại dự án Vinhomes Ocean Park.
“Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh” là dòng tiền thu vào – chi ra liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là thể hiện khả năng tạo tiền từ nội tại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu trả nợ, chia lãi cho các chủ sở hữu và gia tăng đầu tư.
Từ đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền kinh doanh do không mở bán dự án, chi thêm tiền cho hàng tồn kho hay gia tăng các khoản phải thu. Trái ngược với các doanh nghiệp trên, một số đơn vị có dấu hiệu tích cực khi ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương.
“Anh cả” của ngành là Vinhomes (HoSE: VHM) đứng đầu trên cả bảng xếp hạng dòng tiền quý II và dòng tiền từ đầu năm. Công ty lập kỷ lục dòng tiền kinh doanh nhờ việc thu tiền bán hàng từ đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire với hơn 2 tỷ USD. Như vậy, doanh số chưa chưa ghi nhận là 129.300 tỷ đồng, tăng 127% so với quý I. Đây sẽ là nguồn doanh thu tiềm năng dự kiến trong các quý tới.
Thời điểm khởi công của dự án là quý I năm nay, thời điểm bàn giao dự kiến là quý I/2023. Vì vậy, theo quy định, doanh thu từ dự án Vinhomes Ocean Park 2 sẽ được hạch toán trong quý I năm sau.
Đứng thứ hai trong bảng danh sách dòng tiền kinh doanh là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL). Công ty có dòng tiền kinh doanh kỷ lục quý khi lần đầu vượt ngưỡng 4.200 tỷ đồng trong quý II năm nay. Không giống như Vinhomes, đóng góp lớn vào dòng tiền kinh doanh của Novaland không đến từ việc bán hàng. Các khoản phải trả của đơn vị này tăng hơn 14.000 tỷ đồng chỉ riêng trong quý này, phần lớn trong số đó là khoản tiền mà Novaland nhận hợp tác đầu tư để phát triển dự án với các bên thứ ba.
Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) đứng thứ ba trong bảng danh sách dòng tiền kinh doanh trong 6 tháng năm nay nhờ việc bàn giao dự án. Công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh kỷ lục với 1.179 tỷ đồng do bàn giao dự án The Sóng trong quý II khiến hàng tồn kho giảm hơn 1.329 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đã thu về hơn 700 tỷ đồng từ khoản phải thu cho vay trong quý II cho đơn vị “Nhà An Gia”.
Một số đơn vị khác cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương trong 6 tháng đầu năm. Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) có thêm 293 tỷ đồng từ đầu năm chủ yếu từ lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản và mảng năng lượng. Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) bán được bất động sản giúp công ty có thêm 71,7 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) ghi nhận thêm hơn 52 tỷ đồng từ đầu năm nhờ bán được các dự án bất động sản, giúp khoản người mua trả tiền trước tăng 140% kể từ đầu năm. Không giống với các đơn vị trên, Đầu tư và Phát triển nhà số 6 (UPCoM: HD6) có được dòng tiền dương với đóng góp lớn của mức tăng 83 tỷ đồng khoản phải trả.
Ở chiều ngược lại, nhiều công ty bất động sản không bán dự án trong nửa đầu năm nay. Đồng thời, các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng khiến các công ty này ghi nhận dòng tiền âm. Thậm chí một số đơn vị còn ghi nhận âm kỷ lục quý.
Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HoSE: KDH) có dòng tiền kinh doanh âm lớn nhất trong số các doanh nghiệp được thống kê hơn 2.007 tỷ đồng trong nửa đầu năm, theo sau đó là Đầu tư và Phát triển Xây dựng (DIC Corp - HoSE: DIG) với con số 1.906 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp này tuy có tiền thu về từ việc bán dự án ổn định và tốt hơn so với năm trước song khoản phải thu, hàng tồn kho hay tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ tăng đột biến khiến dòng tiền kinh doanh âm trong 6 tháng đầu năm.
Tương tự trường hợp của 2 công ty trên Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG), Phát triển Đô thị Từ Liêm (HoSE: NTL), DRH Holdings (HoSE: DRH), Đầu tư LDG (HoSE: LDG), Địa ốc First Real (HoSE: FIR) đều là những công ty có tiền thu về từ lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh tăng so với năm trước, nhưng bị âm do các khoản mục trên.
Một số công ty có tiền thu từ hoạt động kinh doanh kém hơn so với giai đoạn năm 2021 như Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG), Bất động sản Thế kỷ (HoSE: CRE), Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB), Đầu tư Phát triển Khu đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (HoSE: SJS), Địa ốc Sài Gòn Thương tín (HoSE: SCR), Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP HCM (HoSE: FDC), CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HoSE: D2D), CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (HoSE: TDH). Ngoài ra, các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng đột biến khiến các đơn vị này có dòng tiền âm trong 6 tháng đầu của năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận