TP. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam
Để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở ngành, Ban chỉ đạo 389, lực lượng thực thi pháp luật tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo nhãn mác "Made in Vietnam" trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo: Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như nhập lậu, phân phối, lưu thông các mặt hàng hóa sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác "Made in Vietnam”, kịp thời ngăn chặn hàng hóa tiêu dùng, thời trang giả mạo xuất xứ, nhãn mác.
Lực lượng Công an tăng cường trinh sát, làm rõ phương thức, thủ đoạn, chủ động lập chuyên án để triệt phá các đường dây, ổ nhóm, địa điểm vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo xuất xứ, nhãn mác; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm như nhập lậu, phân phối, lưu thông các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng gắn nhãn mác "Made in Vietnam" trong thị trường nội địa.
Lực lượng Hải quan tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu và các khu vực; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ, hàng giả... trong quá trình nhập khẩu hàng hóa. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, chứa trữ, vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ, nhãn mác ở khu vực cảng biển, cửa sông, bến bãi, tàu thuyền.
UBND các quận huyện có trách nhiệm xử lý nghiêm hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn; tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng hiểu, đồng thuận và không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Các cơ quan truyền thông của thành phố kịp thời tuyên truyền, phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho các hành vi kinh doanh, buôn bán các mặt hàng gian lận xuất xứ; phát động người dân tích cực tham gia tố giác các vi phạm.
Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa gắn nhãn hiệu “Made in Vietnam” tiêu thụ trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là mặt hàng quần áo, nhất là quần áo thời trang; hàng tiêu dùng như giày dép, túi xách, ví, đồ dùng bằng nhựa, cao su. Hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam đa số nhập lậu từ Trung Quốc. Sau khi gắn nhãn hiệu “Made in Vietnam”, loại hàng hóa này tiêu thụ ngay trong nước và không ít lô hàng đã được xuất khẩu đi các nước khác. “Hàng Trung Quốc chất lượng kém, giá rẻ gắn mác hàng Việt dễ lừa người tiêu dùng, hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt xuất khẩu đi nước khác mức thuế giảm. Đây là nguyên nhân xảy ra trình trạng hàng Việt bị gắn mác cho hàng nước ngoài đang khá phổ biến hiện nay”, một cán bộ Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Đầu năm 2019, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đã phát hiện trên hai toa tàu hỏa tại ga Sài Gòn 84 kiện hàng hóa, gồm quần áo, giày dép, linh kiện điện tử có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ, vận chuyển từ ga Hà Nội vào ga Sài Gòn, dọc đường có lên xuống hàng hóa.
Hàng hóa gắn xuất xứ “Made in Vietnam” nhiều nhất là quần áo thời trang, chủ yếu là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Tại khu vực quận Tân Bình, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, nhiều loại quần áo Trung Quốc gắn nguồn gốc Việt Nam nhằm hợp thức hóa hàng nhập lậu, hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng. Ông Bùi Thành, chủ một cơ sở may gia công trên đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú cho hay, khi hàng Trung Quốc gắn xuất xứ Việt Nam giá bán cao hơn và dễ tiêu thụ do tâm lý người Việt hiện nay ít chuộng quần áo có nguồn gốc Trung Quốc vì không kiểm soát được chất lượng, sợ bị độc hại.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 491 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm trên 887 tỷ đồng. Đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp về cả quy mô và tính chất. Nhiều mặt hàng thuộc diện cấm nhập khẩu như thuốc lá, thực phẩm, tân dược, xăng dầu, máy móc cũ… và xuất khẩu nhiều lô hàng gắn xuất xứ Việt Nam đi các nước. “Tình trạng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng. Hàng nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi trái phép từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu gây thiệt hại lớn cho nền sản xuất trong nước”, một cán bộ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý vi phạm với các hàng hoá giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam. Theo đó, lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tập trung điều tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu biên giới và nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hoá tiêu dùng, thời trang giả mạo xuất xứ và xử lý nghiêm hàng vi phạm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ và tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường