24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TP Hồ Chí Minh siết tình trạng sốt đất ảo, đầu cơ nhà đất dịp cuối năm

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tình trạng sốt ảo giá đất và đầu cơ nhà đất sẽ quay trở lại dịp cuối năm sau thời gian tạm lắng. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh quyết tâm siết quản lý để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Tăng cường kiểm tra

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn. Trong danh sách 61 sàn giao dịch được điểm tên, Sở sẽ kiểm tra 15 địa chỉ đăng ký hoạt động kinh doanh tại TP Thủ Đức, trong đó có các sàn Gia Phát land, Đại phát, Central Global, Vland, Happy Land…

Hiện nay, thành phố Thủ Đức được xem là nơi “nóng” nhất của thị trường BĐS. Nguyên nhân, có thời điểm giá đất được đẩy lên tới hàng tỷ đồng 1m2, thậm chí tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, giáp ranh quận 1) giá trung bình từ 2,4 - 2,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khu vực này cũng có nhiều doanh nghiệp sai phạm trong đấu giá đất. Đáng chú ý, có 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm nhưng sau đó bỏ cọc khoảng 1.051 tỷ đồng, gây những ảnh hưởng rất nặng nề đến thị trường BĐS khu Đông của TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, mức đấu giá thành công “khủng” đã đẩy giá nhà đất khu vực lên quá cao khiến người dân ngày càng khó tiếp cận về nhà ở. Điều này cũng dẫn đến kế hoạch đấu giá đất công của TP Hồ Chí Minh cũng chịu hệ lụy tương tự.

TP Hồ Chí Minh siết tình trạng sốt đất ảo, đầu cơ nhà đất dịp cuối năm
Lực lượng môi giới trong các công ty bất động sản khá lớn để chào bán các dự án bất động sản tại các tỉnh phía Nam.

Để “siết” hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng gửi kiến nghị tới UBND thành phố và các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS. Trong số 5 dấu hiệu bất ổn đáng quan ngại của thị trường BĐS với biểu hiện giảm tốc, giảm thanh khoản, HoREA cũng cảnh báo các nguyên nhân đến từ “sốt ảo giá đất” và đầu cơ nhà đất. Do đó, HoREA góp ý sửa đổi khoản 5 Điều 211 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó không cần thiết quy định “việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản” phải “thông qua sàn giao dịch BĐS”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thời gian qua môi giới đang hoạt động tự do theo kiểu “cò đất, cò nhà”. Trong khi đó, cả nước hiện có hơn 300.000 người môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000 người môi giới có chứng chỉ hành nghề và đã được đào tạo (10%) hoạt động tại khoảng 2.000 văn phòng môi giới, sàn giao dịch BĐS.

Ngoài ra, thị trường BĐS đã xuất hiện tình trạng “giá nhà tăng liên tục” trong 5 năm gần đây, giá nhà bình dân (khoảng 2 tỉ đồng trở lại, dưới 30 triệu đồng/m2) cũng đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. So với các nước công nghiệp phát triển, ông Lê Hoàng Châu cho biết, giá nhà cũng đã cao gấp khoảng 6-7 lần mức thu nhập, vì thế người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp khó có cơ hội tạo lập nhà ở nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ.

Chưa kể, từ năm 2019 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện dự án và căn hộ bất động sản “siêu sang” với giá rao bán lên đến khoảng 500 triệu đồng/m2, cá biệt có mức giá đến 1 tỉ đồng/m2. Một số địa bàn bị giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” đầu cơ, làm giá, thổi giá tạo ra các đợt “sốt giá ảo” đất nền, đất nông nghiệp (như các huyện Củ Chi, Hóc Môn), làm tác động xấu đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Hoàng Châu, tuy thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh hiện đã có dấu hiệu chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50%, tùy theo dự án và tùy theo khu vực nhưng giá nhà đất vẫn còn “neo giữ mức giá cao” do doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm (trước Tết Qúy Mão).

Quy định rõ về nghề môi giới BĐS

Để chấn chỉnh tình trạng cò đất thổi giá ảnh hưởng đến thị trường BĐS, luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, môi giới BĐS cần phải được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề, có mã số cá nhân môi giới bởi hiện nay, Việt Nam vẫn rất lỏng lẻo trong quản lý đội ngũ này. Vì vậy, đã đến lúc phải siết hoạt động của các môi giới BĐS để thị trường minh bạch hơn.

TP Hồ Chí Minh siết tình trạng sốt đất ảo, đầu cơ nhà đất dịp cuối năm
Người dân thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận các dự án nhà ở tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, cũng vì quản lý lỏng lẻo thị trường môi giới nhà đất đã khiến không ít các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nảy sinh trong quá trình giao dịch BĐS. Vừa qua, đơn vị đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt nhắm mạnh vào các đối tượng, đường dây chuyên lừa đảo; tổ chức rà soát, quyết liệt đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trong lĩnh vực nhà đất vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại tài sản lớn.

Sở dĩ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn có “đất sống” phần lớn là do một bộ phận người dân còn nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác, nhất là tâm lý “ham giá rẻ”, dẫn đến bị lừa gạt giao dịch các tài sản nhà, đất không có cơ sở pháp lý rõ ràng, thiệt hại về tài sản. Điển hình vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa được TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử đối với hai vợ chồng “siêu cò” Nguyễn Văn Minh (SN 1981) và Nguyễn Thị Hằng (SN 1992), cùng ngụ tỉnh Bình Dương. Số tiền mà hai môi giới BĐS này chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới nhiều tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 8/2018, các đối tượng đã thực hiện 11 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt là 7,5 tỷ đồng. Tương tự, đầu tháng 10/2022, Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng L.T.N. (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) do có hành vi “rao bán dự án ở quận 10 nhưng ép khách đi mua đất ở tỉnh Bình Dương”.

Mới đây, ngành công an TP Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với nhân viên Công ty BĐS Đại An Lộc do có hành vi thông qua trang Facebook “Đất nền quận 10” đã thu hút một lượng khách hàng rất lớn, sau đó tổ chức giới thiệu dự án rầm rộ tại một trung tâm hội nghị ở quận Phú Nhuận. Liên quan đến vụ việc này, nhiều cá nhân, người dân do nhẹ dạ cả tin đã bị các đối tượng “cò đất” dẫn dụ, thông tin sai sự thật để lừa gạt, rất may chưa bị thiệt hại về tài sản.

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động môi giới BĐS để siết cò đất, từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định áp dụng biện pháp siết tín dụng để kìm hãm lại tình trạng sốt giá BĐS, điều này tác động đến các nhà đầu tư thứ cấp vay dùng đòn bẩy tài chính để kinh doanh BĐS. Theo HoREA, nhờ vậy thị trường BĐS đã giảm mạnh nguồn cầu và tình trạng sốt giá BĐS cũng không còn nữa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả