TP HCM siết tín dụng bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM yêu cầu quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, hạn chế cấp vốn cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Đây là một trong những nội dung tại văn bản của Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản TP HCM ổn định, lành mạnh.
Theo đó, Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM yêu cầu quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân.
Đồng thời, hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Liên quan đến chính sách tín dụng đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, theo phản ánh của một số khách hàng vay mua nhà, lãi suất cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân đã nhích lên thời gian qua trong bối cảnh dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản được yêu cầu siết chặt.
Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cũng nhận định lãi suất cho vay nhích lên là khó tránh khi tín dụng được yêu cầu tập trung vào sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác cho biết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn mua nhà để ở của người dân.
Về tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, cho biết dự ước đến cuối tháng 4-2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.
"Tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng cao, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế TP HCM phục hồi nhanh" - ông Lệnh thông tin.
Cụ thể, tín dụng tăng trưởng gắn liền với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP HCM; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, giảm áp lực trả nợ và tiếp tục bổ sung vốn để phục hồi và tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, đến cuối tháng 4-2022, tổng giá trị dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, cho gần 2 triệu lượt khách hàng vay vốn, góp phần trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch để ổn định và phục hồi tăng trưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận