TP.HCM mời góp ý, nhà đầu tư mong đẩy nhanh đầu tư hạ tầng cảng biển
Sáng 22-3, TP.HCM tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế -xã hội TP đến năm 2030.
Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đây là hội nghị rất đặc biệt vì TP mong muốn lắng nghe các kiến nghị, hiến kế của nhà đầu tư với điểm đến TP.HCM cho một kế hoạch phát triển vượng, bền vững thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico, cách làm mới của TP là huy động đóng góp sáng kiến của doanh nghiệp đã khích lệ tinh thần các doanh nghiệp, với tinh thần mới mẻ.
Bà Thảo đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy con đường phát triển của TP.HCM trong tương lai như đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán lên mức 100-200% GDP quốc gia so với hiện nay, phát triển vận tải hàng không, kinh tế số, kinh tế tư nhân, startup, phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện phát triển cho các ngành nghề kinh tế khác...
"Trong đó, tập trung xây dựng TP.HCM là điểm đến du lịch quốc tế, có nhiều đổi mới trong lĩnh vực sáng tạo công nghệ. Dự kiến tháng 6-2022, chúng tôi cũng sẽ khai trương trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ, hi vọng là điểm hội tụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng TP trong quá trình phát triển này", bà Thảo khẳng định.
Với kỳ vọng TP sớm đạt các chỉ tiêu tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm phát triển hạ tầng ở TP, đặc biệt là hạ tầng cảng biển.
Ông Park Hyun Bae - tổng giám đốc Công ty KCTC Việt Nam - cho biết mong muốn của doanh nghiệp là TP tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng các cảng hàng hóa trong đó tập trung cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) và cảng Hiệp Phước (Q.7), hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các dịch vụ khai thác kho bãi cảng và dịch vụ logistics tăng sản lượng phục vụ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đưa ứng dụng công nghệ, hệ thống trao đổi thông tin điện tử, liên kết thông tin các cảng biển để điều hành các luồng xe, hàng hoá, giảm tải tình trạng hàng hóa bị ùn ứ trong nhiều thời điểm.
Ông Boris Cohen, tổng giám đốc MSC Vietnam, cho rằng việc phát triển nhanh chóng các hạ tầng cảng biển sẽ giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm dịch vụ hàng hóa không chỉ của Việt Nam mà còn cả khu vực.
"Chúng tôi mong muốn cảng Cát Lái tiếp tục được đầu tư, hiện đại hoá. Ngoài ra, để gia tăng cơ hội tiếp cận hàng hoá, doanh nghiệp cũng đề xuất TP sớm đầu tư cảng mới trung chuyển ở khu vực Cần Giờ trước năm 2030, không nên đợi theo quy hoạch hiện nay là sau 2030 mới thực hiện để tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế biển", ông Boris Cohen nói.
Tại hội nghị, các nhà đầu tư nước ngoài cũng góp ý để TP.HCM phát triển thành trung tâm phân phối hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao, trên cơ sở phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại. Điều này còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của cuộc sống người dân đô thị.
Thông tin định hướng về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM đến năm 2030, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - cho biết giai đoạn năm 2020-2021, mặc dù là địa phương chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng một số chỉ tiêu quan trọng TP vẫn cao hơn cùng kỳ như về thu hút FDI, thu ngân sách, hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán…
Theo bà Mai, TP vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay đất giao thông của TP chỉ chiếm 8% trong khi bình quân đối với đô thị là 21-26%, mật độ mạng lưới giao thông phải đạt con số 10-13 km/km2 nhưng hiện nay con số chỉ khoảng là 2,1km. “Hạ tầng, giao thông dù có cải thiện nhưng chưa theo kịp tiến độ đô thị hóa, tốc độ gia tăng dân số”, bà Mai nhìn nhận.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư công rất lớn trong khi nguồn lực hạn hẹp, hiện TP chỉ được giao khoảng 21% so với tổng nhu cầu.
Giai đoạn 2022 – 2025, TP nhiệm vụ chính phải được thực hiện là huy động hiệu quả được các nguồn lực. TP chủ động động đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, khơi thông nguồn lực phát triển về nguồn nhân lực, về đất đai, về nguồn lực tài chính....
Để làm được điều đó, TP đưa ra một số giải pháp. Trong đó, TP tập trung triển khai 4 chương trình phát triển gồm đột phá đổi mới quản lý, đột phá hạ tầng, đột phá phát triển nhân lực và văn hóa, chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển TP.
TP cũng sẽ rà soát quỹ đất công, xây dựng phương án bán đấu giá để bổ sung nguồn thu cho ngân sách. TP sẽ thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực R&D; ưu tiên các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường.
"TP cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đã được giao dự án sử dụng đất thực hiện nghiêm các điều kiện; có biện pháp chế tài kiên quyết đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng theo cam kết, chậm tiến độ thực hiện dự án", bà Mai nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận