TP.HCM: Hiện thực hoá 'giấc mơ' 1 triệu căn hộ giá rẻ, có khả thi?
Thành phố dự kiến đến năm 2025 sẽ xây 1 triệu căn hộ giá rẻ, hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống của người lao động. Tuy nhiên, ở góc độ người trong cuộc mới thấy được “giấc mơ” này khó khăn thế nào.
Cải thiện chỗ ở để "giữ chân" người lao động được TP.HCM xem là một trong những mục tiêu cho công cuộc tái thiết sau đại dịch, như khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mới đây: "TP dự kiến sẽ phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp".
Quyết tâm là thế, tuy nhiên, trên thực tế việc xây nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp, người lao động… ở TP.HCM không phải là đề xuất mới, khi hàng loạt vướng mắc đã và đang cản trở mục tiêu này.
Đại dịch xảy ra, "giật mình" nhìn lại khu nhà trọ công nhân
Trước đó, tại Hội nghị công bố nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2060 ngày 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình thừa nhận, đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị của TP, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động.
Ông Bình dẫn chứng, quận 7 có 100.000 nhà trọ cho công nhân thuê, có phòng trọ chỉ rộng 20 - 30m2 nhưng đến 5 - 6 người ở.
Chính vì công nhân thuê nhà ở rải rác trong các khu nhà trọ tự phát, không tập trung, dịch bệnh dễ lây nhiễm chéo từ khu dân cư ra công nhân và ngược lại. Chưa kể, khi các doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến", mô hình "3 tại chỗ" để sản xuất trong dịch đã không làm được.
Tình trạng này diễn ra không riêng gì ở quận 7 mà còn ở nhiều quận, huyện khác.
Do đó, theo ông Bình, TP sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng các quỹ đất của TP để giãn người lao động ra khỏi các khu nhà ở trọ chưa đủ tiêu chuẩn.
"TP đã dốc toàn lực thần tốc xây dựng được những bệnh viện dã chiến chỉ trong vòng vài tuần. Vậy thì trong 1 năm, các doanh nghiệp của TP có thể chung tay xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân ở được không? Quy định về pháp lý có rồi, không cần quy định mới. TP sẽ giải quyết thần tốc về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp xây dựng nhanh", ông Bình nói.
Còn theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, trong 11 thành phần thuộc Kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM có một kế hoạch về phát triển 1 triệu căn nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Thường trực UBND TP.HCM sẽ nghe các sở, ngành trình bày kế hoạch này để có hướng phát triển thời gian tới.
"Thành phố sẽ phát triển nhà ở với mức giá thấp nhất có thể để người có thu nhập thấp tiếp cận được. Từ đó giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động, giữ chân họ ở lại thành phố làm việc", ông Mãi khẳng định.
Quyết tâm cao, nhưng…
Dưới góc độ người trong cuộc là các doanh nghiệp bất động sản, dù quyết tâm của TP.HCM là rất cao nhưng để triển khai kế hoạch 1 triệu căn nhà giá rẻ là rất khó.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land (thuộc Vạn Phúc Group), cho hay những năm gần đây vắng bóng căn hộ giá rẻ ở TP.HCM là do chi phí đầu vào tăng cao, do đất đai, vật liệu xây dựng tăng, thủ tục lại rườm rà, kéo dài nên hiệu quả đầu tư không có. Bây giờ TP muốn đẩy mạnh buộc phải có cơ chế riêng, thậm chí cơ chế đặc thù cho phân khúc này, vừa liên quan đến quỹ đất, vừa liên quan đến thủ tục pháp lý, và các ưu đãi khác dành cho doanh nghiệp.
"Thậm chí, nhà nước phải đứng ra và có quỹ ngân sách riêng để làm thì mới hiệu quả được. Còn nếu như cứ mong muốn thôi mà tính khả thi không cao thì sẽ rơi vô tình trạng như những năm trước đây, năm nào cũng nói câu chuyện nhà giá rẻ nhưng thực tế không thể triển khai được", bà Hương nhấn mạnh.
Trong khi đó, phó tổng Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản (xin giấu tên) thẳng thắn, đây không phải là đề xuất mới, ý tưởng đã có hơn chục năm nay rồi mà chẳng giải quyết được gì.
Theo vị này, vấn đề pháp lý rất quan trọng nhưng hiện nay quỹ đất TP hết rồi, có thì phải điều chỉnh quy hoạch mà việc này phải là chính sách từ Trung ương. "Tức là từ Chính phủ, rồi Bộ Xây dựng, Viện nghiên cứu quy hoạch, cả chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai như thế nào… Phải biết rằng nhà ở xã hội thì đơn giá thấp hơn rất nhiều so với nhà thương mại, chính vì vậy doanh nghiệp rất ngại làm vì bị ảnh hưởng dòng tiền", ông phân tích.
Đa phần các doanh nghiệp bất động sản sử dụng vốn mồi, vốn tự có khoảng 20-30%, còn lại là đi vay ngân hàng mà đi vay có được ưu đãi lãi suất hay không lại là chuyện khác. Rồi Nhà nước tính áp giá thuế như thế nào để doanh nghiệp chạy dòng tiền, chạy bài toán tài chính để có lãi mới làm.
"Về vấn đề lãi, thời gian qua do thị trường đóng băng, thêm vào đó là dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp bị lãi ăn 'tới xương' rồi. Thế nên, để tạo sự đồng thuận thì phải có sự nhất quán, triệt để từ Trung ương tới các bộ ngành, các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất, chính sách làm sổ hồng sổ đỏ…", ông này nói thêm.
Lãnh đạo doanh nghiệp trên dẫn chứng thêm, thường ở nước ngoài những dự án tương tự thế này sẽ do Chính phủ trực tiếp làm. Khi đó có cơ chế, có sự linh động trong giải quyết các ách tắc, còn nếu giao tư nhân thì... giấc mơ 1 triệu căn hộ giá rẻ sẽ khó thành hiện thực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận