TP.HCM: Gia hạn 8.800 tỉ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp
TP.HCM đã hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do dịch COVID-19 với số tiền hơn 600 tỉ đồng, gia hạn hơn 8.800 tỉ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp...
Bên cạnh khống chế dịch, TP.HCM cũng đã kịp thời có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn với số tiền hơn 600 tỉ đồng.
TP.HCM đã gia hạn hơn 8.800 tỉ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp, hơn 200 tỉ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuế đất cho các hộ kinh doanh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nói tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, sáng 28-12 như trên.
Theo ông Phong, về phòng chống dịch COVID-19, TP đã chủ động, tích cực và sáng tạo triển khai các biện pháp phòng dịch có hiệu quả, xây dựng các kịch bản ứng phó dịch bệnh, vận dụng linh hoạt, hiệu quả đối với từng đợt bùng phát dịch.
Với làn sóng dịch thứ ba khởi phát từ ngày 28-11, TP đã nhanh chóng dập dịch, khống chế sau 3 ngày. Đến nay, TP đã có 27 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. “Đây là thành quả vô cùng quan trọng thể hiện khả năng ứng phó nhanh, kịp thời của TP, sự tham gia cộng động có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân” – ông Phong nói.
Về phục hồi kinh tế, ông Phong cho biết TP đã đạt nhiều kết quả tích cực với mức tăng trưởng đạt 1,39% so với cùng kỳ, không để tăng trưởng âm.
Cả ba khu vực dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp đều tăng trưởng dương, xuất khẩu đạt hơn 44 tỉ USD, thu hút đầu tư nước ngoài hơn 4 tỉ USD, hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1 triệu tỉ đồng. Ngoài ra, có hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với cùng kỳ.
Ông Phong cho biết thêm, TP đã chủ động triển khai xây dựng chuỗi phát triển dịch vụ du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh thành cả nước để kích cầu du lịch nội địa phát triển trong bối cảnh các chuyến bay thương mại bị hạn chế và thị trường du lịch quốc tế bị đóng băng trong dịch. Do vậy mà, lượng khách đến TP đã tăng trở lại. Doanh thu du lịch hơn 84.000 tỉ đồng.
Về thu ngân sách, đã có nhiều nỗ lực giúp thu ngân sách năm 2020 ước đạt 352.000 tỉ đồng (đạt 86,7% so với dự toán). Ông Phong cũng khẳng định, mặc dù bị tác động của dịch, nhưng tính chung giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ 62,4% lên 67,6%. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh, người nộp thuế tiếp tục có hiệu quả, sức mạnh nội tại của kinh tế TP ngày càng tăng.
Đặc biệt, phát huy truyền thống năng động sáng tạo, TP đã xây dựng và kiên trì đeo bám, mạnh dạn đề xuất và được Trung ương chấp thuận nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý như Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức.
Trong năm sau, ông Phong khẳng định TP sẽ nỗ lực hơn nữa ngay từ những tháng đầu năm, quý đầu năm để tạo đà hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Trong đó, TP xác định chủ đề năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, với mục tiêu đặt ra là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là tập trung kiểm soát lây nhiễm COVID-19 và triển khai có hiệu quả phục hồi kinh tế các ngành, các lĩnh vực.
TP sẽ huy động hiệu qủa mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng phát triển văn hóa…
Để thực hiện những mục tiêu trên, ông Phong cho biết TP đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với 20 chỉ tiêu và 9 nội dung trọng tâm. Đáng chú ý là tập trung triển khai kế hoạch tổ chức chính quyền đô thị, trong đó sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức, trình các cơ quan Trung ương thông qua trong thời gian tới.
TP cũng sẽ đảm bảo tiến độ thực hiện 51 chương trình, đề án của ba chương trình đột phá về đổi mới phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực và văn hóa. Cùng với đó là một chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực của TP theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra.
Ngoài ra, TP cũng sẽ tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh thiết kế đô thị; thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai…
Tại hội nghị, ông Phong cũng kiến nghị Trung ương hai nội dung. Thứ nhất là kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM theo Nghị quyết 131 của Quốc hội trước ngày 1-1-2021. Thời gian qua, TP đã chủ động và khẩn trương phối hợp với Bộ Nội vụ, Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo nghị định trình Chính phủ.
Thứ hai là để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết 54 của Quốc hội, TP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương sớm hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi tiến hành cổ phần hóa để TP kịp triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.
Đồng thời, phê duyệt phương án và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trên địa bàn TP để TP có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận