24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ái Vy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TP.HCM đề xuất xây mới 5 tuyến đường sắt tốc độ cao để phát triển nhành logistics

Theo Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM đề cập đến việc phát triển mạng lưới đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các nhóm cảng biển quan trọng của TP.HCM với các tỉnh thành khu vực phía Nam, mạng lưới đường sắt quốc gia...

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông

Theo nội dung Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp thành phố đến năm 2025 đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%.

Đồng thời, phấn đấu tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10% - 15%.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM đề ra các nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics như đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ.

Phát triển mạng lưới đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối với các nhóm cảng biển quan trọng của thành phố, với các tỉnh thành khu vực phía Nam, với mạng lưới đường sắt quốc gia và các tuyến vận chuyển xuyên biên giới.

TP.HCM đề xuất xây mới 5 tuyến đường sắt tốc độ cao để phát triển nhành logistics
TP.HCM phấn đấu tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Ảnh minh họa: Phaata.com

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công suất đạt 40 - 50 triệu hành khách/năm và 1 - 2 triệu tấn hàng hóa/năm đến năm 2030.

Tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ TP.HCM ra Cái Mép - Thị Vải, luồng sông Lòng Tàu qua Vịnh Gành Rái.

Phát triển hệ thống ICD theo quy hoạch nhằm thay thế và thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics của TP. Đồng thời, thành lập hệ thống trung tâm logistics ở quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.

Mặt khác, đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics, chú trọng kỹ năng nghề. Định hướng đào tạo kỹ năng nghề theo dự báo về nhu cầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics.

Chú trọng mô hình đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp - hình thức đào tạo kép. Hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics cho toàn vùng hướng tới tính liên kết vùng trong đào tạo và chia sẻ nguồn lực trình độ cao.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển người sử dụng dịch vụ logistics; phát triển nhà cung cấp dịch vụ logistics; hợp tác, liên kết vùng (Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long) để phát triển logistics; hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về logistics.

Xây mới 5 tuyến đường sắt

Đáng chú ý, trong Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM còn đề cập đến việc phát triển mạng lưới đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các nhóm cảng biển quan trọng của TP.HCM với các tỉnh thành khu vực phía Nam, mạng lưới đường sắt quốc gia và các tuyến vận chuyển xuyên biên giới.

Theo đó, TP.HCM đề xuất Bộ GTVT nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam hiện có, đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng.

Đồng thời, đề xuất xây dựng mới 5 tuyến đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch, tăng kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành.

Đầu tiên là tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau), kết nối với đường sắt Bắc - Nam tại ga An Bình (Cần Thơ). Tuyến này trước đó được nghiên cứu dài hơn 173 km với 14 ga và hai trạm khách đi qua 6 tỉnh thành: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tuyến có điểm đầu hàng hóa ở TP. Dĩ An, Bình Dương, còn điểm đầu hành khách tại huyện Bình Chánh, TP.HCM và điểm cuối ở quận Cái Răng (TP. Cần Thơ).

Thứ 2, tuyến TP.HCM - Tây Ninh (định hướng kéo dài lên cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP.HCM). tuyến này dài 139 km, đầu tư trước đoạn từ ga Tân Chánh Hiệp đến ga Trảng Bàng (Tây Ninh), dài gần 40 km.

TP.HCM đề xuất xây mới 5 tuyến đường sắt tốc độ cao để phát triển nhành logistics
TP.HCM đề xuất xây dựng mới 5 tuyến đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch, tăng kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành. Ảnh: ratracosolutions.com

Thứ 3 là tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM). Tuyến này dài hơn 37 km, thiết kế đường đôi với 19 nhà ga, chuyên vận chuyển hành khách đi lại ở sân bay.

Thứ 4 là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như TP.HCM - Nha Trang dài 366 km.

Thứ 5 là tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM) và cảng Long An. Tuyến này có chiều dài hơn 30 km, chỉ vận chuyển hàng hóa, điểm đầu tại ga Long Định (huyện Cần Đước, Long An) và điểm cuối ở cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Đường bộ, các tuyến cao tốc cần tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2020 - 2025: TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành. Hoàn chỉnh nút giao thông Mỹ Thủy - cảng Cát Lái nhằm kéo giảm kẹt xe.

Đường thủy thì tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ TP.HCM ra Cái Mép - Thị Vải, luồng sông Lòng Tàu qua Vịnh Gành Rái. Nạo vét luồng sông Soài Rạp 11,5 m để tàu thuyền có thể hành hải an toàn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả