TP HCM cần tiền và chiến lược riêng để phục hồi kinh tế
Bên cạnh các chính sách được chính phủ triển khai, chuyên gia cho rằng TP HCM cần tiền và chiến lược của riêng mình để phục hồi kinh tế.
Cục Thống kê TP HCM cho biết, tháng 10, nhiều chỉ số về sản xuất công nghiệp, lao động việc làm, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Thành phố đều tăng hai con số so với tháng 9.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế 10 tháng nhìn chung vẫn ảm đạm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động giảm 22,7%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài giảm 20,4%. Điểm sáng là tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong hai năm xuất hiện Covid-19, kinh tế thành phố bị ảnh hưởng nặng. GRDP từ mức tăng 7,8% năm 2019 xuống còn 1,36% năm 2020. PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, dự báo tăng trưởng năm nay sẽ âm 5%. Tức là, so với mục tiêu tăng trưởng 6% thì bị mất đi 11%. Với quy mô GRDP 65 tỷ USD, thành phố mất khoảng 7 tỷ USD.
Năm ngoái, Thành phố đã mất 7% GRDP, tương đương khoảng 4 tỷ USD. Như vậy, tổng cộng đầu tàu kinh tế mất 12 tỷ USD qua 2 năm dịch.
"Với đà phục hồi như hiện nay, hy vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cải thiện hơn ở mức âm 4% hoặc âm 3%. Tuy nhiên, nếu đạt được cũng chỉ ở mức giảm thiệt hại, còn để phục hồi lại như trước cần phải hết quý II/2022, với điều kiện dịch được kiểm soát tốt", ông Ngân đánh giá.
Câu hỏi đặt ra lúc này là "liều thuốc" nào để giúp TP HCM phục hồi sau 2 năm chống Covid-19 và sẽ còn sống chung với nó?
Các chuyên gia cho rằng, với nhiều chỉ số đi lùi, TP HCM cần trợ lực, thậm chí là rà soát lại nhằm tái cấu trúc, xây dựng một "sức đề kháng" tốt hơn. Để triển khai, thành phố cần tiền và chiến lược cho riêng mình, bên cạnh các chính sách phục hồi chung đang được chính phủ đã và tiếp tục triển khai thêm.
Kênh đầu tiên là ngân sách. Theo tính toán mới đây của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, cứ tăng 1% tỷ lệ điều tiết ngân sách, thành phố sẽ có thêm 2.000 tỷ đồng. Số tiền này chi cho đầu tư công sẽ giúp tạo ra được lượng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 9-10 lần, tức 20.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng 3% tỷ lệ điều tiết ngân sách năm sau cho TP HCM (tương đương 6.000 tỷ đồng), tức từ 18% lên 21%. Với tỷ lệ này, Thành phố được giữ lại hơn 41.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là gần 42.600 tỷ đồng. Tổng phần địa phương được hưởng theo phân cấp sẽ là hơn 84.120 tỷ đồng, tăng gần 22% so với dự toán 2021.
Vậy với 6.000 tỷ tăng thêm này nếu chi cho đầu tư công, theo tính toán của ông Ngân sẽ tương đương lượng vốn đầu tư toàn xã hội 60.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thường bằng 33-34% GRDP nên có thể nhân con số trên 3 lần để có kết quả khả năng tạo ra GRDP một cách tương đối cho thành phố từ việc nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách.
Tuy nhiên, tiền từ nâng tỷ lệ điều tiết là chưa đủ và được xem là một kênh thụ động. Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, Phó giám đốc Học viện Khoa học Xã Hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, có ít nhất 5 kênh huy động nguồn lực khác mà thành phố có thể tính đến.
Trong kênh thu hút vốn doanh nghiệp, nên lưu ý thu hút qua các "thỏi nam châm" startup."Hỗ trợ cho các startup công nghệ phát triển hơn nữa với hệ sinh thái mạnh mẽ và các sàn huy động vốn tốt cho họ sẽ là một kênh tiềm năng", ông Hưng nói.
"Cần giải quyết các điểm nghẽn còn tồn trọng trong hoạt động xuất khẩu để hạn chế tối đa tác động từ chi phí logistics toàn cầu đang tăng cao. Hiện nay, Mỹ và châu Âu đang khan hàng. Họ vốn là thị trường lớn của Việt Nam, nên cần nắm bắt ngay cơ hội này", PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, quan trọng hơn cả là sử dụng nguồn lực huy động được thế nào. Nếu huy động không được nhiều mà phân bổ đúng vẫn hiệu quả hơn huy động nhiều mà chi tiêu không đúng chỗ. Để 'đúng' và 'trúng' thì phục thuộc vào tầm nhìn điều tiết vĩ mô của lãnh đạo TP HCM và cả Trung ương. Đó cũng là lý do, bên cạnh tiền thì Thành phố cần có chiến lược riêng.
Đầu tiên, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào các ngành thâm dụng lao động (như dệt may, điện tử...). Lao động trong lĩnh vực này thiếu tính gắn bó, lại là nhóm dễ tổn thương. Vì vậy, khi có dịch, các ngành này chịu nhiều ảnh hưởng.
Thứ hai, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thấp khiến xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Khi chịu tác động kép từ dịch tại chỗ và nguồn cung nước ngoài, nhiều đơn hàng phải tạm ngưng vì thiếu đầu vào.
Thứ ba, hạ tầng logistics yếu và rời rạc, dẫn đến hàng hóa chậm, chi phí lưu thông cao. Và thứ tư, chuỗi cung ứng quá cồng kềnh, phụ thuộc nhiều vào các khâu trung gian (từ sản xuất qua thương lái, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ đến tay người tiêu dùng).
"Khi có dịch, chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào đội ngũ thương lái - vốn chịu phong tỏa nên không làm việc, cộng với hệ thống logistics kém đã khiến hàng hóa mắc kẹt. Nơi sản xuất thì thừa, nơi tiêu thụ lại thiếu. Ví dụ, hàng hóa chỉ cách TP HCM hơn 100 km, như từ Long An, Đồng Nai nhưng không về được", TS Phạm Thị Thanh Xuân đánh giá.
Theo bà Xuân, kinh tế Thành phố có lực đỡ nhờ dịch vụ và công nghiệp, tuy nhiên cả hai đều chịu ảnh hưởng bởi 4 điểm yếu trên. "Từ góc nhìn này, cả hai ngành được xem là động lực của nền kinh tế thành phố lại là hai ngành dễ tổn thương nhất", bà lý giải về những thiệt hại vừa qua của thành phố.
Vì vậy, khi phục hồi cũng phải đi từ "chữa trị" những điểm yếu này, bên cạnh việc đặt trọng tâm ưu tiên các ngành cần thiết và an toàn với dịch trước. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP HCM gợi ý 4 trụ cột.
Trụ cột I, cần xem những ngành liên quan đến logistics là then chốt để lưu thông hàng hoá giữa TP HCM và các tỉnh phía Nam, đảm bảo thành phố có nguyên vật liệu sản xuất, kết nối được thị trường trong nước và xuất khẩu.
"Đây là trụ cột quan trọng nhất vì trong thời gian giãn cách vừa qua ở TP HCM, nó đã bị đứt gãy, giờ chúng ta phải nối lại. Điều này không chỉ thành phố làm được mà cần ngồi lại với các tỉnh lân cận mới có sự kết nối thông suốt", Giáo sư Hoài nói.
Trụ cột II là những ngành thiết yếu. Ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm vốn là ngành trọng yếu của thành phố, nên vai trò của nó không chỉ phục vụ cho thành phố mà còn cho các tỉnh thành khác và xuất khẩu. Các sản phẩm y tế, dịch vụ công cộng...cũng nằm trong trụ cột này vì cùng tạo ra của cải vật chất, việc làm, góp vào GRDP.
Trụ cột III là các ngành xây dựng công cộng và dân dụng. Chỉ thị 18 gần như cho mở hoàn toàn, rất hợp lý vì có liên quan đến đầu tư công, đầu tư tư nhân. Riêng với đầu tư công, khi triển khai các công trình sẽ tạo ra các tác động ngoại tác tích cực rất mạnh.
Trụ cột cuối là các ngành công nghiệp liên quan đến thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, hóa nhựa cao su... Đây là những ngành tạo ra sản phẩm đầu vào cho những ngành khác không chỉ cho doanh nghiệp nội địa mà còn cả FDI tại các khu công nghiệp. Những ngành này tạo ra sự kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo ra giá trị xuất khẩu.
"Đó là cơ hội, sự hình thành một loạt chuỗi cung ứng rút gọn (đi từ tay người sản xuất qua trung gian bán lẻ đến thẳng người tiêu dùng) là cải thiện rất đáng kể mà nhiều năm qua vẫn chưa làm được. Thế nhưng, sau 3 tháng giãn cách, các chuỗi này đã hình thành và bén rễ", bà Xuân đánh giá. Theo bà, cần có các chính sách hỗ trợ cả về pháp lý lẫn tài chính để duy trì và phát triển các chuỗi này.
Ngoài ra, câu chuyện về dòng lao động rời thành phố những ngày đầu mở cửa cũng là bài học rất giá trị cho TP HCM về chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Theo Giáo sư Hoài, dù là trung tâm đào tạo nghề và tri thức cao của cả nước nhưng mức độ thâm dụng lao động ít kỹ năng tại đây trung bình đến 60% trong 6 ngành công nghiệp lớn, đặc biệt là chế biến lương thực thực phẩm, da giầy và dệt may.
Thâm dụng lao động phổ thông đến từ các tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra một trách nhiệm xã hội lớn cho TP HCM. Thời gian qua, giãn cách kéo dài đã bộc lộ các vấn đề về lưu trú, nơi ở không an toàn và an sinh xã hội.
"Giai đoạn sắp tới, TP HCM phải từng bước ổn định các vấn đề cơ sở hạ tầng xã hội cho người lao động và từng bước tái cấu trúc các ngành công nghiệp theo hướng thâm dụng công nghệ và thâm dụng lao động có kỹ năng theo hướng đổi mới và sáng tạo", chuyên gia này khuyến nghị.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cũng chỉ ra rằng, vấn đề lao động của TP HCM cần nhìn nhận ở điểm tích cực là thời gian qua, khi một lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, lực lượng lao động có tay nghề và trình độ cao đang dôi dư khá lớn.
"Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thành lập mới lẫn những doanh nghiệp muốn nâng cấp chất lượng nhân lực của mình. Lực lượng lao động này chính là một nguồn lực để phục hồi và phát triển cho thành phố giai đoạn tới", ông Hưng lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận