24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Đình Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tổng kết tháng 1: Chứng khoán Mỹ giảm hơn 5% vì nỗi lo lãi suất, giá dầu tăng 17%, Bitcoin "bốc hơi" gần 20%

Dù có hai phiên tăng rực rỡ, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng chốt tháng giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu...

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (31/1), khi nhà đầu tư bắt đáy những cổ phiếu đã bị bán tháo trong tháng. Giá dầu thô cũng đi lên do căng thẳng địa chính trị và nỗi lo cung không đủ cầu. Trong tháng 1 này, chứng khoán Mỹ giảm 12,5%, trong khi giá dầu tăng 17%.

Dù có hai phiên tăng rực rỡ, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng chốt tháng giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Nguyên nhân chính khiến thị trường lao dốc trong tháng này là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay.

Lúc đóng cửa phiên cuối của tháng, S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - tăng 1,89%, đạt 4.515,55 điểm. Cả tháng, chỉ số giảm 5,3%, là mức giảm mạnh nhất kể từ cú giảm 12,5% vào tháng 3/2020 và đánh dấu tháng 1 giảm sâu nhất kể từ năm 2009.

Chỉ số Dow Jones tăng 40,639 điểm, tương đương tăng 1,2%, đạt 35.131,86 điểm. Cả tháng, chỉ số này giảm 3,3%. Do các cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong Dow Jones, chỉ số này bị ảnh hưởng bởi làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ ít hơn so với S&P 500 và Nasdaq.

Chỉ số Nasdaq tăng 3,41% trong phiên này, đạt 14.239,88 điểm, sau khi tăng 3% trong phiên ngày thứ Sáu. Cả tháng, chỉ số giảm 8,9%, hoàn tất tháng đáng quên nhất kể từ tháng 3/2020.

Tổng kết tháng 1: Chứng khoán Mỹ giảm hơn 5% vì nỗi lo lãi suất, giá dầu tăng 17%, Bitcoin "bốc hơi" gần 20%
Trong tháng 1/2022, chỉ số S&P 500 giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

“Với khối lượng giao dịch và những cú chao đảo mà chúng ta đã chứng kiến trên thị trường, biến động này mang lại cảm giác như thị trường đã qua đỉnh cao rồi”, chiến lược gia Art Hogan của National Securities nhận định. “Các đỉnh cao như thế thường xuất hiện sau khi nhiều đỉnh nhỏ hơn liên tục được thiết lập, và khi đó, nhà đầu tư muốn bán mọi thứ. Trong phần lớn thời gian của tháng 1, chúng ta đã chứng kiến tièn chảy khỏi cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu chu kỳ. Sau đó, xu hướng này đảo ngược và cổ phiếu tăng trưởng lại được mua một chút. Cơn bão đã qua đi và mọi thứ có vẻ đang bình ổn trở lại”.

Tuần trước, Fed phát tín hiệu sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3 để chống lại mức lạm phát cao nhất gần 4 thập kỷ, và đây sẽ là đợt nâng lãi suất đầu tiên của Fed trong vòng hơn 3 năm. Thị trường hiện đang đặt cược vào khả năng Fed có ít nhất 5 lần nâng lãi suất, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm trong năm nay.

Một trong những nhóm bị bán mạnh nhất trong tháng 1 chính là cổ phiếu công nghệ vì các cổ phiếu có mức tăng trưởng cao chịu áp lực lớn trong môi trường lãi suất tăng. Đến cuối tháng, cổ phiếu công nghệ bắt đầu được mua lại.

Netflix và Spotify tăng tương ứng 11% và 13% trong phiên cuối tháng. Nhưng cả tháng, Netflix giảm gần 30% và Spotify mất 16% giá trị. Tesla giảm 11% trong tháng 1 dù tăng hơn 10% trong phiên ngày thứ Hai. Cổ phiếu con chip Nvidia tăng 7% trong phiên ngày thứ Hai, nhưng giảm gần 17% trong tháng 1.

Trong tháng 2 này, chính sách tiền tệ của Fed sẽ tiếp tục là nhân tố chính chi phối diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ. Trao đổi với tờ Financial Times vào cuối tuần vừa rồi, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic nói rằng Fed không loại trừ khả năng tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần, thay vì bước nhảy 0,25 điểm phần trăm thường thấy, nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa phiên ngày thứ Hai với mức tăng 1,31%, đạt 91,21 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,53%, đạt 88,15 USD/thùng.

Trong phiên ngày thứ Sáu, giá của cả hai loại dầu cùng có lúc đạt mức cao nhất 7 năm, tương ứng 91,7 USD/thùng và 88,84 USD/thùng đối với dầu Brent và WTI.

Tính đến tuần trước, giá hai loại dầu đã tăng 6 tuần liên tiếp. Cả tháng 1, giá dầu tăng khoảng 17%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2021.

“Mối lo về gián đoạn nguồn cung dầu liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục đẩy giá dầu lên cao hơn”, nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbank phát biểu.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm Chủ nhật nói rằng châu Âu cần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, sau khi Anh cảnh báo “có khả năng cao” Nga sắp tấn công Ukraine.

Ngoài ra, giá dầu cũng đang được hỗ trợ bởi căng thẳng ở khu vực Trung Đông, sau khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết đã chặn một tên lửa đạn đạo phóng bởi lực lượng Houthi ở Yemen trong lúc UAE đang tiếp Tổng thống Isaac Herzog của Israel thăm chính thức.

Tuần này, diễn biến giá dầu sẽ tiếp tục tùy thuộc vào tình hình địa chính trị và kết quả cuộc họp sản lượng của OPEC+ vào ngày thứ Ba (2/2). Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga được cho là sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng dầu mỗi ngày/tháng.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đang có những dấu hiệu khởi sắc sau khi giảm chóng mặt trong tháng 1. Lúc hơn 9h sáng nay (1/2) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 38.347 USD, tăng gần 3,9% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.

Trong tháng 1, giá Bitcoin giảm gần 20%, có lúc về ngưỡng 33.000 USD. So với kỷ lục gần 69.000 USD thiết lập vào tháng 11, giá Bitcoin hiện giảm khoảng 43%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
19,001.67 +29.25 (+0.15%)
98,642.60 +618.70 (+0.63%)
71.18 +1.08 (+1.54%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả