Tổng Giám đốc PGS: Bao giá và mua hàng tồn kho giá cao đầu tháng có thể dẫn đến lỗ ngắn hạn
Sáng ngày 21/04, CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (HNX: PGS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 với mục tiêu lợi nhuận đi lùi so với năm 2021 dù doanh thu được dự báo tăng.
Ban lãnh đạo PGS nhận định năm 2022 sẽ là một năm đầy thách thức và khó khăn do tình hình dịch bênh sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy Chính phủ đã chuyển hình thức đối phó với đại dịch COVID-19 từ trạng thái đóng cửa hoàn toàn sang trạng thái bình thường mới, tuy nhiên, các quán ăn, nhà hàng vẫn chưa khởi động nhiều, các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa hoạt động bình thường, nhiều khách hàng vẫn ở trạng thái dừng (giảm) sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, giá CP thế giới có những biến động thất thường, tình hình gian lận thương mại trong kinh doanh LPG vẫn tồn tại ở hầu hết các khu vực thị trường.
Với những nhận định trên, cộng với giả định giá dầu thô là 65 USD/thùng, giá CP là 582 USD/tấn, giá CNG đầu vào là 8.68 USD/mmbtu và tỷ giá VND/USD là 23,300 đồng, PGS kỳ vọng tổng doanh thu đạt gần 6,139 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại được dự báo giảm hơn 3%, còn gần 97%.
Giải thích về sự ngược chiều này, tại Đại hội, Tổng Giám đốc PGS ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết: “Năm 2022, kế hoạch doanh thu tăng là do tình hình Covid-19 sẽ giảm, các nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn sẽ hoạt động lại bình thường. Do đó, sản lượng có thể sẽ tốt hơn, cộng với nền giá CP và giá dầu ở mức cao.
Về phần lợi nhuận, tuy kế hoạch lợi nhuận giảm so với phần thực hiện của năm 2021 nhưng mức kế hoạch đề ra cho năm 2022 đã cao hơn so với kế hoạch 2021. Còn về nguyên nhân giảm, giá dầu, giá khí không thể mãi tăng được, đến một thời điểm nhất định sẽ giảm. Theo PGS dự báo, chắc chắn giá CP sẽ có 2-3 tháng quay đầu giảm mạnh trong năm 2022. Mặt khác, thị trường LPG luôn có yêu cầu về việc bao giá, nghĩa là giá mua đầu tháng có thể cao nhưng nếu giá xuống và cuối tháng thì phải chấp nhận điều chỉnh cho khách hàng theo giá xuống. Lợi nhuận bình quân đạt khoảng 15 USD/tấn nhưng nếu bao giá cho 20% sản lượng thì sẽ mất lợi nhuận ít nhất 1 tháng.
Hoạt động kinh doanh LPG luôn phải mua hàng định hạn, ví dụ bán 15 ngàn tấn/tháng thì phải mua ít nhất 12 ngàn tấn cố định vì sẽ có người lấy hàng nhiều và ngược lại. Nếu Công ty không đủ hàng cung cấp cho khách hàng thì sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến mất khách hàng. Nhìn chung, do chính sách bao giá và việc mua hàng tồn kho giá cao đầu tháng có thể sẽ dẫn đến lỗ ngắn hạn và đây là đặc thù chung của các đơn vị kinh doanh LPG.”
Tuy kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn nhưng kế hoạch đầu tư của PGS lại có mức tăng trưởng khá lớn. Cụ thể, giá trị đầu tư và giải ngân trong năm 2022 dự kiến đạt lần lượt 437 tỷ đồng và 413 tỷ đồng, gấp 2.4 lần và 2 lần so với năm 2021.
Trả lời thắc mắc cổ đông về việc kế hoạch đầu tư có mức tăng lớn, ông Luận chia sẻ: “Trong kế hoạch đầu tư 2021, mục tiêu đề ra là 668 tỷ đồng, tuy nhiên một số hạng mục vì điều kiện khách quan nên Công ty không thực hiện nữa như góp vốn vào đơn vị xây dựng kho cảng LNG ở Hải Phòng, đầu tư toàn bộ hệ thống tái hóa khí cảng miền Bắc và miền Nam (300 tỷ đồng), di dời trạm chiết nạp cảng Đồng Nai (90 tỷ đồng) và Nha Trang.
Theo lộ trình, các tỉnh bắt buộc phải có quy hoạch để chuyển các trạm chiết nạp vào cá KCN. PGS hiện đã thuê đất ở các KCN ngoài Khánh Hòa và đang làm các thủ tục để đầu tư. Ngoài ra, Công ty còn có một số dự án đầu tư nhỏ lẻ khác như các bồn phối trộn, vò dầu, mở rộng bồn, đầu tư vỏ bình. Đến năm 2022, giá trị đầu tư ở 1 số hạng mục có thể giảm đi nhưng phần kế hoạch đã cao hơn phần thực hiện của năm 2021.”
Đối với kế hoạch chi trả cổ tức, ĐHĐCĐ PGS đã thông qua phương án chia cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Với phần lợi nhuận của năm 2022, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận