Tổng giám đốc Hòa Phát (HPG) nói gì về năng lực cạnh tranh của dự án Hòa Phát - Dung Quất 2
Năng lực cạnh tranh và đảm bảo môi trường là hai vấn đề các nhà đầu tư tổ chức đặc biệt quan tâm, đặt nhiều câu hỏi với ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) khi đến thăm quan Khu liên hợp Sản xuất thép Hòa Phát - Dung Quất 2 vào đầu tuần qua.
Việc đầu tư dự án Hòa Phát - Dung Quất 2 giúp nâng sản lượng của Hòa Phát lên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép nguội cán nóng (HRC).
Việc tăng quy mô sản xuất sẽ giúp Hòa Phát tiếp tục củng cố năng lực cạnh tranh, giảm giá thành. Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, việc vận hành Dung Quất 2 có mấy lợi thế cạnh tranh.
Thứ nhất, dung tích lò cao của Dung Quất 2 là 2.500 m3, gấp đôi lò cao Dung Quất 1 giúp giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu. Cụ thể, nhà máy thép ở Hải Dương sản xuất 1 tấn gang tiêu thụ hơn 400 tấn cốc, còn ở Dung Quất 1 là 360 tấn cốc. Lò cao Dung Quất 2 to gấp đôi Dung Quất 1 thì dự kiến tiêu thụ 320 tấn cốc.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (bên trái) trao đổi với đại diện tổ chức đầu tư
Thứ hai, với Dung Quất 1 có khoảng 11.000 người vận hành, với Dung Quất 2 công suất tăng gấp đôi nhưng nhân lực dự kiến chỉ tăng gấp rưỡi. Chi phí đầu tư của Dung Quất 2 tương đương Dung Quất 1. Vì vậy, khi Dung Quất 2 chạy toàn bộ thì chi phí giá thành sản phẩm thép của Hòa Phát sẽ tốt hơn hiện nay.
Đại diện một công ty thương mại thép của Nhật Bản đặt câu hỏi giải pháp giảm thải CO2 của Hòa Phát như thế nào? Ông Thắng cho biết, vấn đề giảm thải carbon đang rất nóng. Ngành thép có 2 chu trình là chu trình dài, công nghệ sản xuất lò cao và chu trình ngắn là sản xuất từ thép phế. Chu trình ngắn thì phát thải carbon thấp hơn, nhưng mỗi chu trình có ưu thế và nhược điểm khác nhau. Để sản xuất ô tô thì đòi hỏi chất lượng thép rất cao, đa phần người ta chọn thép lò cao để đảm bảo chất lượng. Cũng có thể sản xuất bằng lò điện nhưng quy trình lựa chọn thép phế rất nghiêm ngặt. Hoặc sử dụng công nghệ sử dụng khí thiên nhiên, nhưng về công nghệ cũng chưa đáp ứng hoàn toàn.
"Lộ trình giảm thải CO2 là bắt buộc nhưng chúng ta hiểu quy trình phát triển đi qua các bước khác nhau. Hiện nay, ngành thép chưa thế tiến tới net zero ngay kể cả tại các nước châu Âu phát triển vẫn đang sử dụng thép từ lò cao", ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, Hòa Phát đã thực hiện nhiều giải pháp giảm thải, trước tiên là dựa trên các nguyên lý tiết kiệm năng lượng là giảm than, giảm chi phí và giảm phát thải carbon, nâng cao tỷ lệ thép phế trong lò cao lên. Các phương pháp đang nghiên cứu như HBI được chế tạo để không sử dụng than, công nghệ chôn lấp carbon. Hòa Phát hướng tới giảm phát thải bằng việc áp dụng các giải pháp công nghệ khác nhau và đang trong quá trình làm báo cáo ESG để xây dựng lộ trình cụ thể. Các nhà nghiên cứu công nghệ sáng chế ra thiết bị giảm thiểu công nghệ carbon nào thì Hòa Phát sẽ áp dụng.
Ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Hòa Phát Dung Quất cho biết, Hòa Phát bắt đầu đầu tư Dung Quất 1 từ năm 2017 và Dung Quất 2 từ 2021 nên ứng dụng về công nghệ, các đòi hỏi về môi trường định hướng phát triển có sự thay đổi đặc biệt so với các nhà máy đầu tư giai đoạn trước.
Hòa Phát đã ứng dụng công nghệ luyện cốc sạch, không thu hồi hóa chất có nguy cơ gây sự cố môi trường, mà phát điện. Các công nghệ môi trường vừa đầu tư theo yêu cầu cao hơn, cũng như đáp ứng định hướng trong tương lai vì yêu cầu về môi trường và xu thế giảm phát thải nóng theo từng năm. Hòa Phát đã đầu tư sẵn để đảm bảo giảm phát thải carbon theo yêu cầu tương lai.
“Chúng tôi định hướng đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại nhất ứng dụng cả chuyển đổi số, thiết bị tự động đảm bảo mang lại giá trị cao nhất cho sản phẩm”, ông Thọ nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận