Tổng giá trị lệnh mua không yêu cầu đủ tiền của khối ngoại khoảng 20 triệu USD/ngày trong tháng đầu triển khai
SSI Research ước tính tổng giá trị các lệnh NPS ở các công ty chứng khoán hàng đầu trong 1 tháng sử dụng vào khoảng 20 triệu USD/ngày so với giá trị giao dịch bình quân 620 triệu USD/ngày.
Sau 1 tháng triển khai quy định cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS) chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11, SSI Research ước tính tổng giá trị các lệnh NPS ở các công ty chứng khoán hàng đầu vào khoảng 20 triệu USD/ngày so với GTGD bình quân ngày là 620 triệu USD. Các lệnh này tập trung vào một nhóm nhà đầu tư và không ghi nhận bất kỳ giao dịch thất bại nào.
Lợi ích sử dụng NPS là giảm bớt áp lực vốn vào ngày giao dịch (T0) và rủi ro ngoại hối, từ đó giúp nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) giao dịch hiệu quả hơn về chi phí. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã có những phản hồi khá tích cực khi được hỗ trợ thanh toán trong 2 ngày giao dịch.
Theo SSI Research, mặc dù chỉ chiếm khoảng 3% giá trị giao dịch trên thị trường, giá trị của các lệnh NPS tương ứng khoảng 35% giao dịch mua của NĐTNN và mức này là khá đáng kể khi xem xét trong bối cảnh khối ngoại chủ yếu có xu hướng bán ra trong 1 tháng vừa qua (bình quân NĐTNN mua 55 triệu USD/ngày và bán 78 triệu USD/ngày).
Tuy nhiên, sau 1 tháng triển khai NPS theo quy định tại Thông tư 68/2024 cũng phát sinh một số vướng mắc.
Thứ nhất, quy trình thực hiện: Sản phẩm NPS là sản phẩm đặc thù của riêng thị trường chứng khoán Việt Nam và sẽ mất nhiều thời gian hơn để NĐTNN, đặc biệt là các quỹ khu vực xem xét và cân nhắc quy trình áp dụng để chấp nhận giải pháp mới này.
Thứ hai, công bố thông tin: Một số vướng mắc trong việc trao đổi thông tin giữa ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và hiện nay các bên đang từng bước đơn giản hóa thông qua hệ thống điện tử. Bên cạnh đó, trong trường hợp giao dịch thất bại xảy ra, NĐTNN phải công bố thông tin trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thực hiện mua lại cổ phiếu theo quy định cũng khiến cho việc sử dụng lệnh NPS hạn chế hơn.
Thứ ba, năng lực thực thi: Mặc dù năng lực của công ty chứng khoán và hệ thống giao dịch hiện tại vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm NPS của NĐTNN, hệ thống sẽ cần phải sẵn sàng chuẩn bị đón nhận dòng vốn giải ngân sau khi Việt Nam được FTSE Russell công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi. Ví dụ, hệ thống giao dịch hiện tại vẫn có thể xử lý tối đa lên đến 200 triệu lệnh, nhưng sẽ dừng hoạt động nếu đạt 85% công suất hay giới hạn hạn mức sử dụng NPS sẽ phụ thuộc vào quy mô vốn của công ty chứng khoán, trong đó mức cao nhất khoảng 200 triệu USD và 2 yếu tố này sẽ khó đáp ứng nhu cầu trong kỳ cơ cấu của các quỹ ETF.
Trong thời gian tới, kỳ vọng hệ thống giao dịch KRX triển khai cải thiện năng lực thực thi của hệ thống giao dịch khi có các kỳ cơ cấu quỹ cũng như cung cấp các sản phẩm mới. Việc sửa đổi Luật Chứng khoán mới đây đã tạo tiền đề pháp lý cho mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán. Dự thảo sửa đổi về Nghị định 155/2020 nhằm đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản giao dịch cho các NĐTNN và rút ngắn thời gian giữa IPO và niêm yết cũng là các điểm mới tích cực cho thị trường chứng khoán nói chung (vấn đề này FTSE đang quan tâm khá nhiều, họ đề cập việc mở tài khoản hàng loạt khi được nâng hạng trong khi thủ tục hiện tại khá lâu và rườm rà sẽ cản trợ nguồn vốn ngoại tiếp cận TTCK Việt Nam).
SSI Research cho biết, đã có cơ hội trao đổi với tổ chức đánh giá xếp hạng FTSE Russell và FTSE có cái nhìn khả quan về việc đưa sản phẩm NPS vào thực tế, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, bao gồm quá trình mở tài khoản, hệ thống giao dịch và các vấn đề xảy ra khi có giao dịch thất bại (trong 1 tháng triển khai chưa có failed trade nên việc đánh giá đang gặp khó khăn). Trong đó, việc xử lý các giao dịch thất bại là một trong những yếu tố chủ chốt mà FTSE Russell đang xem xét để ra quyết định nâng hạng với Việt Nam.
FTSE dự kiến sẽ có cuộc họp đánh giá vào tháng 1/2025 và trong kịch bản tốt nhất, khả năng Việt Nam được đưa vào danh sách nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 3/2025 và sẽ chính thức được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường