Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VGV) đặt kế hoạch đi lùi
Sở hữu lợi thế có thương hiệu trên thị trường 60 năm nay và các công ty con nhiều tiềm năng nhưng kết quả kinh doanh của Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (mã VGV - UPCoM) chưa thực sự bứt phá.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, VGV thông qua kế hoạch năm 2021 đi lùi với doanh thu công ty mẹ là 240 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 22,5 tỷ đồng, chia cổ tức 3,6%; không đặt kế hoạch hợp nhất.
BCTC hợp nhất năm 2020 thể hiện, VGV có tổng tài sản là 1.137 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 668 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 805 tỷ đồng, giá vốn hàng bán chiếm 677 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 127 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 102 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính là 19,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 32,6 tỷ đồng, giảm 25,44% so với năm 2019.
Năm 2020, công ty mẹ đạt doanh thu 278 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 24,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 22,33 tỷ đồng, giảm 27,43% so với cùng kỳ năm 2019; chia cổ tức 3,9%/năm.
Giải trình lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2020 sụt giảm so với năm trước là do lợi nhuận các công ty con gồm USCO, CCBM, VCC, CDC hợp nhất giảm so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 37,12%; 61,26%; 7,7%; 16,79%.
Còn theo BCTC hợp nhất quý I/2021, công ty mẹ đạt doanh thu 34,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 2,4 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2020 do doanh thu thuần giảm 30,9%. Hợp nhất quý I, VGV đạt doanh thu 130 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 7,9 tỷ đồng, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2020 do tăng doanh thu hoạt động tài chính và chi phí khác giảm.
VGV vốn là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ năm 1955, tiền thân là Cục thiết kế dân dụng. Từ năm 2016, công ty cổ phần hóa, chuyên tư vấn đầu tư và xây dựng, tổng thầu tư vấn các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, khu công nghiệp… với vốn điều lệ 357 tỷ đồng.
Cơ cấu vốn nhà nước nắm giữ 87,23% vốn điều lệ do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước – SCIC quản lý.
Trên thị trường, VGV là thương hiệu đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn xây dựng. Với bề dày 60 năm, VGV đã thiết kế, để lại dấu ấn tại nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhà Quốc hội, tổ hợp văn phòng Keangnam… Nhiều công trình lớn đều có bóng dáng tư vấn của VGV và các công ty con, công ty liên kết.
Không chỉ VGV mà các công ty con cũng là những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tư vấn như CTCP Khảo sát và xây dưng – USCO (mã USC), CTCP Nước và Môi trường Việt Nam - Viwase (mã VWS); CTCP Tư vấn Xây dựng công trình vật liệu xây dựng - CCBM, CTCP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam - VCC hợp nhất, CTCP Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam - CDC và CTCP Tư vấn xây dựng Tổng hợp - Nagecco… với nhiều lợi thế.
Đơn cử tại USCO, VGV sở hữu 57,76% vốn điều lệ. USCO chuyên về lĩnh vực khảo sát xây dựng, có trụ sở tại số 91 Phùng Hưng, Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngoài ra, USC nắm giữ nhiều khu đất ở Hà Nội như diện tích 1,936 m2 ở số 5 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); 4.000 m2 đất ở xóm 6 xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, 10.116 m2 ở khu Quốc Bảo, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì và các khu đất rải rác ở TP.HCM, Phú Yên, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Tương tự, mặc dù Viwase chỉ có vốn điều lệ 36 tỷ đồng nhưng nắm trong tay nhiều mảnh đất vàng như 650 m2 mặt tiền phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều khu đất đắc địa tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh…
Tuy nắm giữ nhiều lợi thế và tài sản nhưng kết quả kinh doanh vài năm trở lại đây của VGV chưa thực sự bứt phá, lợi nhuận thấp, cổ tức loanh quanh 3%. Nếu lợi nhuận năm 2015 đạt 51 tỷ đồng; năm 2016 là 48 tỷ đồng, năm 2017 là 46 tỷ đồng, năm 2018, 2019 là 44 tỷ đồng thì năm 2020 là 32,6 tỷ đồng.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 7/5, cổ phiếu VGV đứng tại mốc tham chiếu 10.500 đồng/CP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận