menu
Tổng Công ty may Nhà Bè đặt kế hoạch kinh doanh thụt lùi
Quỳnh Như
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tổng Công ty may Nhà Bè đặt kế hoạch kinh doanh thụt lùi

Lợi nhuận sau thuế năm nay của Tổng Công ty May Nhà Bè (UPCoM: MNB) được dự tính giảm 14.3 tỷ đồng so với kết quả năm 2020.

Theo tờ trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vừa được tổ chức, ban lãnh đạo Tổng Công ty May Nhà Bè đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay với các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận sau thuế sụt giảm.

Bảng: Kế hoạch kinh doanh năm nay so với năm 2020 của May Nhà Bè (Đvt: tỷ đồng).

Chỉ tiêu/Năm

Kế hoạch năm 2021

Thực hiện năm 2020

Tổng thu nhập

2.166

2.700

LNST

37.3

51.6

Trích lập các Quỹ và chia cổ tức

32.2

36.3

Chia cổ tức

21.8 (từ 10-15%)

21.8 (12%)

Ông Phạm Phú Cường, Chủ tịch HĐQT May Nhà Bè đánh giá, hiện nay chưa có một dự báo chính thức nào về thời điểm thế giới kiểm soát được Covid-19 và các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường. Do vậy, thách thức của 2020 gần như vẫn còn nguyên trong năm 2021.

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực.

Hàng loạt doanh nghiệp dệt may vừa phải hứng chịu những hạn chế của giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, vừa phải chịu tác động của tổng cầu quốc tế giảm sút đối với ngành dệt may.

Ngay từ đầu tháng 2/2020, toàn ngành bị khủng hoảng vì thiếu nguồn nguyên phụ liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc do toàn bộ các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành may bị đóng cửa từ trước Tết Nguyên Đán.

Tình trạng này dẫn đến việc sản xuất ngành dệt may tại Việt Nam sau khi nghỉ Tết bị tê liệt trên 50% do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ngay sau đó, sức mua toàn cầu giảm, khách hàng thay đổi thời gian nhận hàng, kéo dài thời gian thanh toán,…áp lực lớn về vấn đề tồn kho, chi phí tiền lương cho người lao động.

Thị trường dệt may trong nước cũng không tránh khỏi những tác động xấu đại dịch làm thay đổi nhu cầu tiêu dùng bởi các hoạt động giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.

Người dân ưu tiên mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo.

Các đơn hàng giảm đột ngột, đặc biệt là chủng loại veston, sơ mi cao cấp vốn là sản phẩm chiến lược truyền thống mang lại giá trị cao cho May Nhà Bè, đều sụt giảm đáng kể.

Để thích ứng với tình hình thực tế, doanh nghiệp này nói riêng buộc phải chuyển đổi sản xuất các chủng loại khẩu trang, sản phẩm bảo hộ y tế, quần áo thể thao,…

Thách thức trong năm nay với May Nhà Bè sẽ thiếu hụt lao động có tay nghề và biến động lao động, chi phí lao động ngày càng tăng cao.

Tiềm lực và nguồn lực con người có khả năng thích ứng cao trong mọi hoàn cảnh và công nghệ mô hình quản trị trong điều kiện mới là những thách thức không nhỏ trong năm 2021.

Ban lãnh đạo May Nhà Bè cho rằng, doanh nghiệp dệt may cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn, thích ứng với sự thay đổi của thị trường trong và sau dịch bệnh; chủ động thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, tiếp tục đổi mới công nghệ, chuyển đổi số phù hợp, đón đầu xu thế để tận dụng những cơ hội rõ các Hiệp định thương mại tự do đem lại.

Trong công tác quản trị sản xuất, May Nhà Bè sẽ thành lập hội đồng sáng tạo, sáng kiến cải tiến sản xuất có nhiệm vụ khơi dậy tinh thần sáng tạo, cải tiến sản xuất liên tục trong toàn hệ thống Tổng công ty.

Cùng với đó sẽ nghiên cứu máy móc thiết bị theo hướng tự động hóa, khai thác hết công năng của thiết bị tự động, tiêu chuẩn hóa thao tác công nhân ở các công đoạn khó nhằm loại trừ yếu tố phụ thuộc vào lao động có tay nghề, cũng như đảm bảo được tính ổn định về chất lượng và năng suất,…

Tổng Công ty may Nhà Bè đặt kế hoạch kinh doanh thụt lùi
May Nhà Bè hoạt động theo mô hình quản trị của công ty đại chúng chưa niêm yết, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, thành viên liên doanh, liên kết.

Ngoài ra tại Đại hội thường niên, HĐQT May Nhà Bè đã trình cổ đông thông qua việc Công ty cổ phần 4M được nhận chuyển nhượng cổ phiếu may Nhà Bè, với tỷ lệ sở hữu trên 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai tại thời điểm nhận chuyển nhượng, theo quy định của Luật chứng khoán 2019.

Công ty cổ phần 4M được thành lập từ 2013, do bà Nguyễn Thị Tịnh Tâm là đại diện pháp luật với ngành kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý.

Đây cũng là cổ đông hiện hữu tại May Nhà Bè (với 24,89% vốn), trong vai trò đối tác chiến lược hỗ trợ tư vấn quản lý, giới thiệu khách hàng, đảm bảo năng lực sản xuất từ 30-50% toàn hệ thống của Tổng Công ty.

Sau khi tờ trình trên được thông qua, 4M sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại May Nhà Bè lên 26,71%.

Tổng Công ty May Nhà Bè được thành lập từ năm 1973 với hai xí nghiệp ban đầu, đến nay Nhà Bè đã có hơn 35 đơn vị và xí nghiệp thành viên, với gần 30.000 cán bộ công nhân viên, 20.000 máy móc, thiết bị chuyên dùng.

Năm 2005, công ty May Nhà Bè cổ phần hóa và chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần May Nhà Bè. Cổ đông Nhà nước với đại diện là Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện sở hữu 27,69% tại doanh nghiệp này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
26.20 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả